Do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay, lượng nước tại công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc thấp hơn so với mọi năm. Do đó, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, đơn vị quản lý, khai thác công trình là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết nước hợp lý nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Hồ Núi Cốc là một trong 6 công trình thủy lợi trọng điểm cấp Quốc gia, có nhiệm vụ bảo đảm nước tưới cho trên 12.000 ha lúa và hoa màu của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước sạch Tích Lương và Nhà máy nước Yên Bình (Khu công nghiệp Yên Bình). Theo thiết kế, hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước khoảng 25km2 với dung tích chứa khoảng 175 triệu m3. Tuy nhiên, hiện tại đang là mùa khô nên lượng nước của hồ khá thấp. Theo đánh giá của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, lượng nước của hồ hiện chỉ đạt khoảng 120 triệu m3, bằng 68% dung tích thiết kế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái, mực nước của hồ Núi Cốc thấp hơn 0,5m (cao trình hiện đạt +44,2m). Nguyên nhân là do năm nay, lượng mưa trung bình thấp hơn nhiều so với mọi năm. Trong khi đó, hồ Núi Cốc lại vừa mới tiến hành xả nước để phục vụ người dân gieo cấy vụ xuân. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, Công ty đã chỉ đạo Cụm Quản lý công trình đầu mối hồ Núi Cốc chủ động tích trữ nước và xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm.
Theo đó, ngay sau khi các địa phương hoàn thành gieo cấy vụ xuân, Cụm Quản lý công trình đầu mối hồ Núi Cốc đã tiến hành đóng bớt các cửa xả, chỉ duy trì dòng chảy tối thiểu nhằm đáp ứng đủ nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Tích Lương và Nhà máy nước Yên Bình. Ông Trần Văn Khánh, Cụm trưởng Cụm Quản lý công trình đầu mối hồ Núi Cốc thông tin: Hiện tại, chúng tôi chỉ xả nước với lưu lượng khoảng 6m3/giây, bằng ½ so với trước đây. Chỉ khi nào các địa phương có nhu cầu về nước sản xuất và đăng ký với Cụm thì đơn vị mới tăng lưu lượng xả nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước tại các đập dâng, kênh dẫn nước, đảm bảo cấp nước đúng đối tượng, đúng nhu cầu, hiệu quả và tiết kiệm. Với kế hoạch điều tiết nước như hiện nay, chúng tôi khẳng định, hồ Núi Cốc vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về nước sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những tháng mùa khô.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Hồ Núi Cốc mà hiện nay, hầu hết các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, như: Hồ Bảo Linh (Định Hóa), hồ Gò Miếu (Đại Từ), hồ Hố Cóc (Phú Bình), hồ Cây Thị (Đồng Hỷ), hồ Suối Lạnh (Phổ Yên)… trữ lượng nước đều thấp, chỉ đạt từ 45-60% dung tích thiết kế. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu những đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành các công trình chủ động tích trữ nước và xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, thực hiện lịch đóng, mở nước phù hợp với lịch gieo cấy và quy trình chăm sóc lúa của người dân các địa phương…