Khởi nghiệp với bột rau từ nguyên liệu sạch

10:26, 11/03/2021

Xuất phát điểm là một cơ sở chế biến tinh bột trà xanh nhỏ, năm 2020, anh Bùi Minh Thắng (sinh năm 1987), ở xóm Cầu Giao, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và phát triển thương mại Nguyên Việt với sản phẩm chế biến từ rau xanh dưới dạng tinh bột. Mặc dù quy mô hoạt động của doanh nghiệp còn nhỏ, song hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy, đây là hướng đi mới, có triển vọng tại địa phương.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà xưởng với hệ thống máy móc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, anh Thắng cho biết: Năm 2014, tinh bột trà xanh Nhật Bản (matcha) xuất hiện trên thị trường, được nhiều người tin dùng trong việc làm đẹp, giảm cân, sử dụng làm hương liệu… Nhận thấy đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng để phát triển, trong khi Thái Nguyên có lợi thế là vùng nguyên liệu chè lớn nên tôi nghĩ đến phương án chế biến và phát triển loại sản phẩm này. Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu tạo ra sản phẩm tinh bột trà xanh mang thương hiệu của riêng mình. Ban đầu, tôi mua lại chè búp tươi đã được sao khô của người dân địa phương rồi nghiền thành bột. Tuy nhiên, do chưa có máy móc hiện đại và kỹ thuật còn hạn chế nên độ nhỏ mịn của bột trà xanh chưa được như ý muốn. Vì vậy, tôi đã dành hơn nửa năm đi khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam tìm kiếm loại đá phù hợp để chế tạo máy nghiền, đảm bảo tạo ra loại bột mịn mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên cũng như chất lượng sản phẩm.

Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, năm 2016, anh Thắng đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng với quy mô hơn 400m2. Cùng với sản xuất tinh bột trà xanh, anh cũng đã mạnh dạn nghiên cứu thêm và đưa vào chế biến tinh bột từ một số loại rau khác như: rau má, diếp cá, tía tô, cần tây, cải xoăn, cải bó xôi, lá xạ đen… Đây là những loại rau có tính dược và được nhiều người sử dụng trong đời sống. Do các sản phẩm đều sử dụng lá tươi để chế biến nên nguyên liệu sau khi mang về đều được rửa sạch, loại bỏ gân, lá vàng rồi sấy khô trong khoảng 12-14 giờ, sau đó mới mang đi nghiền thành bột. Sản phẩm sau khi hoàn thành có kích thước siêu mịn, đạt đến độ có thể hòa tan trong nước, màu sắc giữ được màu tươi nguyên bản, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng và hương vị thuần túy.

Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, Công ty đã ký cam kết với các chủ nhà vườn trong và ngoài tỉnh về quy trình trồng nguyên liệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Sau mỗi lần nhập hoặc thu hái nguyên liệu, Công ty đều sử dụng máy đo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trước khi mang đi chế biến. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, Công ty xuất bán hơn 2 tấn sản phẩm các loại, giá bán dao động từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg tùy từng loại. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Thắng cho rằng: Trong một, hai năm đầu, lợi nhuận mang lại chưa cao, chỉ đủ để hoàn lại chi phí đầu tư, nhưng quan trọng là tôi đã làm chủ được kỹ thuật, gây dựng được thị trường ổn định tại một số tỉnh, thành trong nước. Sản phẩm của Công ty cũng được người tiêu dùng lựa chọn và tin tưởng nhờ chất lượng và giá thành hợp lý.

Từ cơ sở này, năm 2020, anh Thắng đã đăng ký xây dựng thương hiệu Nguyên Việt đối với 10 dòng sản phẩm chính, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền, tiêu thụ ở các thị trường: Thái Nguyên, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Tuy nhiên, hiện nay, Công ty mới chủ động được trên 50% nguồn nguyên liệu từ các địa phương trong tỉnh, còn lại phải nhập từ các nhà vườn tại Đà Lạt, Huế… nên chi phí vận chuyển khá tốn kém. Do vậy, thời gian tới, Công ty có kế hoạch liên kết với người dân tại địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu, nhằm tổ chức tốt chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên nhận định: Qua theo dõi và đánh giá, sản phẩm tinh bột từ các loại rau, lá của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyên Việt tuy còn khá mới mẻ trên thị trường, song bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn của thị xã cũng sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.