Với trên 6.300ha chè, huyện Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh cùng nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu. Tận dụng lợi thế đó, địa phương đã tập trung khuyến khích các hộ dân trồng chè liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Xã Phú Thịnh là một trong 5 xã nằm trong quy hoạch vùng chè xanh đặc sản của huyện Đại Từ. Mặc dù diện tích không lớn (gần 150ha) song chất lượng chè ở đây luôn được đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon riêng có. Hiện, trên địa bàn xã đã hình thành 2 hợp tác xã (HTX), 10 làng nghề, 5 tổ hợp tác (THT) sản xuất chè. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến HTX Chè Hải Yến, ở xóm Làng Thượng. HTX hiện có 7 thành viên và 25 hộ liên kết cùng thực hiện nghiêm một quy trình từ lúc trồng đến khi chăm sóc, thu hái. Ban quản trị HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát các khâu sản xuất thông qua ghi chép sổ sách và thực tế hoạt động của các hộ trên nương chè.
Chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX cho hay: Gia đình tôi làm chè từ năm 1988, từ chỗ trồng để uống hàng ngày, rồi dần dần mở rộng diện tích để đem bán tại các chợ. Tuy vậy, lợi nhuận làm ra chẳng đáng là bao do chè không có thương hiệu, bị thương lái ép giá. Đến cuối năm 2018, tôi được biết đến mô hình liên kết sản xuất và quyết định thành lập HTX chè Hải Yến. Đến nay, HTX đã có 10ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP, cho sản lượng 120 tấn chè búp tươi/năm, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…
Không riêng chị Yến, những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả của việc liên kết hộ trong sản xuất, chế biến chè, nhiều người dân tại các vùng chè của huyện Đại Từ có xu hướng “móc nối” với nhau trên tinh thần 2 “cùng” (cùng sản xuất, cùng tiêu thụ). Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có gần 70 THT trồng, chế biến chè, 31 HTX (tăng 17 HTX so với năm 2016). Các HTX chủ yếu tập trung tại các vùng chè lớn của huyện và các làng nghề trồng, chế biến chè với sự tham gia của khoảng 1.000 thành viên. Mức thu nhập của người lao động trong các HTX, THT sản xuất, chế biến chè hiện đạt từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Xác định phát triển các HTX, THT chè không đơn thuần chỉ là vấn đề giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn từng bước nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chè địa phương, thời gian qua, huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, THT được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Giai đoạn 2018-2020, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhiều HTX đã được hỗ trợ để sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã La Bằng, Phú Xuyên; hỗ trợ 18 máy sao chè bằng gas cho 18 HTX tại các xã Phú Thịnh, Phục Linh, Hoàng Nông… với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; triển khai cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho 60 HTX, THT. Hằng năm, các HTX, THT còn được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, cây giống, hỗ trợ kinh phí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng website, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Bà Trịnh Việt Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đại Từ cho biết: Thông qua mô hình HTX, THT, hoạt động sản xuất, chế biến chè đã được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, đa dạng, đồng đều về mẫu mã, hình thức… Đây là điều mà các hộ sản xuất cá thể khó có thể thực hiện được. Nhiều HTX đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, xuất bán sản phẩm rộng rãi trong và ngoài nước, đơn cử như HTX Chè Nhật Thức, HTX Chè La Bằng… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX, THT phát triển, tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời triển khai, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các HTX, THT, từ đó tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.