Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển đa dạng, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Nếu như trước đây, gần 1ha đất của gia đình ông Đoàn Hồng Minh, ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán chủ yếu trồng chè trung du và cây keo thì nay toàn bộ diện tích này đã được chuyển sang trồng giống chè cành LDP1 và các loại cây ăn quả. Theo ông Minh, trồng chè cành có thể cho thu nhập cao gấp đôi so với trồng chè trung du. Với hơn 3.600m2 diện tích chè cành, hiện nay, mỗi lứa gia đình ông thu được hơn 100kg chè búp khô, giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, gia đình thu được khoảng 140 triệu đồng mỗi năm. Phần diện tích đất còn lại (với khoảng 6.000m2), năm 2017, gia đình để trồng các loại cây ăn quả (chủ yếu là bưởi Diễn với 200 cây). Năm 2020, bưởi đã cho thu lứa đầu tiên, bán được khoảng 20 triệu đồng.
Không chỉ có gia đình ông Minh, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã Văn Hán nói riêng, huyện Đồng Hỷ nói chung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Đơn cử như ở xã Nam Hòa, nhiều hộ gia đình đã thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mạnh dạn đưa giống mới vào trồng. Ví dụ như gia đình ông Đỗ Ngọc Trung, ở xóm Bờ Suối với mô hình trồng cam Vinh; ông Ngô Văn Trường, ở xóm Na Tranh với mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp...
Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Nam Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Xã cũng đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sao cho phù hợp với trình độ canh tác, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Từ đó, xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình được nhân rộng, như: trồng rau an toàn ở xóm Đồng Chốc, với quy mô 10ha; cánh đồng mẫu lớn cùng ở xóm Đồng Chốc, với quy mô 15,5ha...
Chỉ tính riêng trong năm 2020, huyện Đồng Hỷ đã tuyên truyền, vận động người dân tiến hành chuyển đổi gần 150ha đất 1 lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay cơ cấu giống cây trồng đều phải có kế hoạch, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Do đó, hàng năm, trên quy hoạch đã được phê duyệt, UBND các xã sẽ xây dựng kế hoạch, các phòng chuyên môn của huyện sẽ hỗ trợ người dân về chuyển giao khoa học, kỹ thuật và tiếp cận nguồn vốn vay; tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt, dẫn đến việc khó tiêu thụ nông sản.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nên giá trị và hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích đất được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt của huyện Đồng Hỷ đã đạt trên 110 triệu đồng (tăng 15 triệu đồng so với năm 2018). Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển cơ cấu, bố trí cây trồng một cách hợp lý, phấn đấu đưa sản lượng lương thực bình quân đạt 46 tấn/năm; quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn với cây trồng chủ lực; duy trì và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả...