Với trên 27.000ha đất lâm nghiệp, huyện Đồng Hỷ là địa phương có diện tích đất rừng lớn thứ hai của tỉnh (sau huyện Võ Nhai). Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, Đồng Hỷ đã tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng rừng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của bà con từng bước được nâng cao, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng sản xuất. Kinh tế rừng trên địa bàn huyện được phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả…
Cùng với các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, chúng tôi đến xã Văn Hán, một trong những xã vùng sâu từng được coi là khó khăn nhất huyện. Đi dọc con đường men theo các triền đồi, chúng tôi bắt gặp bạt ngàn màu xanh của những vạt rừng với rất nhiều cây keo thân khá to đang đến tuổi thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, kinh tế rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong xã. Nhờ trồng rừng sản xuất mà đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên đáng kể. Toàn xã hiện có trên 4.200ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm, xã có trên 500ha rừng cho thu hoạch, với giá trị kinh tế khoảng 70-100 triệu đồng/ha. Bằng nguồn thu nhập từ trồng rừng mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Nếu như cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 18,5% thì nay đã giảm xuống chỉ còn 3,3%; thu nhập bình quân của người dân cũng tăng gấp 2 lần, từ 17 triệu đồng/người (năm 2015) lên 35 triệu đồng/người/năm (năm 2020)… Nhờ phát triển kinh tế rừng mà xã Văn Hán không còn là xã nghèo của huyện. Năm 2019, địa phương này đã đã chính thức về đích nông thôn mới.
Gia đình ông Phạm Văn Long, ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán là một trong nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng. Ông Long cho biết: Gia đình tôi có 30ha rừng nhưng trước đây chỉ toàn để cây cối mọc tự nhiên như lau, sậy, guột... nên giá trị kinh tế đem lại chẳng đáng là bao. Vì thế mà cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, gia đình tôi nhiều năm liền là hộ nghèo của xã. Năm 1998, tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng theo Dự án 661 với diện tích 10ha. Sau gần 10 năm chăm sóc, toàn bộ 10ha cây keo của gia đình tôi đã được thu hoạch, thu nhập gần 900 tỷ đồng. Nhận thấy việc trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục đầu tư trồng rừng trên diện tích 20ha còn lại. Hiện nay, 30ha keo (chia thành 3 lứa), sau khoảng 5 năm tôi lại được thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Mới đây, gia đình ông Phạm Văn Long, ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã thu hoạch 10ha keo, đem lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng.
Theo thống kê, huyện Đồng Hỷ hiện có trên trên 12.600ha rừng sản xuất, chiếm 61% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất nên diện tích rừng của huyện đã không ngừng tăng lên. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm huyện trồng mới trên 1.400ha rừng sản xuất với cây trồng chủ yếu là cây keo (chiếm trên 80% tổng diện tích); còn lại là tre nứa, mỡ, lim, lát và dổi xanh.... Sản lượng gỗ khai thác hàng năm của huyện đạt trên 44.000m3, đem lại giá trị kinh tế khoảng 55 tỷ đồng/năm.
Với nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều cơ sở chế biến lâm sản. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 86 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở băm, bóc gỗ. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở chế biến đồ mộc gia dụng. Không chỉ tạo đầu ra cho người dân trồng rừng, các cơ sở chế biến lâm sản này còn góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như cơ sở bóc gỗ của gia đình bà Ngô Thị Tuyết đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ nguồn nguyên liệu sản xuất tại cơ sở bóc gỗ của gia đình bà Tuyết đều là rừng trồng tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, cơ sở này bóc được khoảng 300m3 gỗ, đem lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Cùng với trồng rừng sản xuất, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã kết hợp trồng rừng với chăn nuôi và trồng cây ăn quả… Phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang là hướng đi hiệu quả, góp phần giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đó làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm huyện có trên 1.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm tỷ lệ trên 21% thì nay đã giảm xuống chỉ còn 8,5%. Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, thì nay nhiều hộ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế rừng đã giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để kinh tế rừng phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Đồng Hỷ cần tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế rừng hiệu quả, khuyến khích người dân đưa những giống cây lâm nghiệp, cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đồng thời, phát triển hệ thống đường lâm sinh để phục vụ việc vận chuyển lâm sản của người dân….