Phủ Lý quyết liệt giảm nghèo

10:54, 10/03/2021

Cùng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự phát huy nội lực của nhân dân, vùng đất xã Phủ Lý (Phú Lương) đã từng ngày thay đổi diện mạo. Đời sống người dân được cải thiện nâng cao. Ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã tự hào: Trong thực hiện nhiệm vụ xóa giảm hộ nghèo ở Phủ Lý, phải dùng từ quyết liệt mới chính xác. Trong 5 năm trở lại đây, xã Phủ Lý đã có 242 hộ thoát nghèo. Xã không có hộ nghèo phát sinh, hiện toàn xã còn 42 hộ nghèo đang được giúp đỡ.

Do địa hình phức tạp, đồi núi đan xen cùng ruộng đồng nên cư dân trong vùng chủ yếu sinh sống nhờ ruộng, rừng, chăn nuôi, thủy sản. Nhưng để trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, Phủ Lý đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, bằng cách lựa thế đất đai cho sản xuất cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn thả gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản ở quy mô lớn hơn. Theo đó dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và giao bán sản phẩm.

Theo bà Đoàn Thị Bích Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Bằng kết quả các mô hình sản xuất được triển khai tại cơ sở, bà con tin tưởng, đồng thuận, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng. Hơn thế, việc sản xuất được bà con tự đồng thuận, cùng gieo trồng đúng thời vụ, cùng một loại cây trồng và có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Còn ông Phạm Văn Lương, xóm Đồng Cháy cho biết: Từ nhiều năm gần đây nông dân trong vùng tận dụng triệt để đất sản xuất, không bỏ hoang hóa. Các khu đồng được gieo cấy 2 vụ lúa; khu soi bãi trồng ngô, khoai lang, lạc. Các triền đồi đều được trồng rừng sản xuất. Nhiều hộ còn thuê máy đắp bờ trữ nước làm ao chăn thả cá.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Xã Phủ lý có 12 xóm, với 865 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu. Từ 390ha đất trồng cây lương thực cả năm, bà con thu hoạch được gần 1.565 tấn lương thực có hạt. Ngoài 2 cây lương thực chủ lực là lúa, ngô, bà con còn trồng thêm 22 ha lạc, sản lượng đạt 36,5 tấn/năm; 18 ha khoai lang, sản lượng đạt 104 tấn/năm. Lương thực làm ra đủ cung cấp tại chỗ cho người dân, còn các sản phẩm trở thành hàng hóa chủ yếu là cây chè, cây rừng và chăn nuôi. Hiện toàn xã có gần 60 ha chè, trong đó 55 ha chè kinh doanh, sản lượng đạt 590 tấn/năm. Hơn 100 ha rừng sản xuất, năm 2020 sản lượng gỗ khai thác đạt 1.543m3. Sản lượng thịt hơi đạt 545 tấn; sản lượng cá đạt 101 tấn.

Trong xóa giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu ở Phủ Lý, người dân luôn nhận được sự đồng hành của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2020, xã có 23 hộ nghèo được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản, bình quân 34 triệu đồng/hộ. 10 hộ dân tại các xóm: Hiệp Hòa, Bản Eng, Tân Chính được hỗ trợ 5.000 con gà lông màu. 174 hộ tham gia Dự án Nếp Vải nhận hỗ trợ 1.174 gói phân bón kali, 587 gói thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện trên diện tích hơn 21 ha. 15 hộ được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất, tổng trị giá gần 65 triệu đồng. Hàng chục hộ được hỗ trợ hơn 6,6 tấn phân bón cho cây trồng trong Dự án phát triển rừng bền vững. 

Tuy kinh tế của nhiều hộ còn chưa hết khó khăn, nhưng tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” luôn có nhau, tương trợ giúp đỡ cùng vượt cơn hoạn nạn. Ông Lưu Văn Lợi, xóm Khe Ván bảo: Đầu tháng 2, gia đình tôi không may bị “bà hỏa” thiêu trụi, trong lúc khó khăn, bà con chòm xóm đã đến chia sẻ, giúp tôi dựng lán ở để cuộc sống nhanh chóng ổn định trở lại... Chuyện giúp nhau làm kinh tế gia đình, xây dựng nhà ở, bà Lý Thị Quá, xóm Na Mọn và ông Lưu Xuân Hường, xóm Na Biểu cho biết: Dân chúng tôi không có tiền cho nhau, nhưng chúng tôi giúp bằng cách hỗ trợ cho vay tiền không lấy lãi, hoặc đến giúp công lao động.
Một Phủ Lý đổi mới, đầy sức sống đang hiển hiện từng ngày. Nhưng tôi nhận ra có một Phủ Lý thay đổi từ tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đến sự vào cuộc của mọi người dân. Tất cả gói gọn lại bằng 2 từ “quyết liệt”, không để ai bị bỏ lại phía sau như lời Chủ tịch UBND xã Hoàng Thành Đóa.