Năm 2017, UBND huyện Phú Lương đã ban hành cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2017-2020. Nhờ vậy, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện những tiêu chí liên quan đến xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình.
Năm 2018, xóm Mãn Quang, xã Hợp Thành triển khai làm 1.800m đường giao thông nông thôn. Theo chia sẻ của người dân tại địa phương, nếu so với thời điểm làm tuyến đường giao thông đầu tiên của xóm vào năm 2013 thì nay, quá trình làm đoạn đường này thuận lợi hơn nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Văn Ngân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Mãn Quang cho biết: Vào năm 2013, bên cạnh chi phí xây lắp thì xóm phải chi trả nhiều khoản khác như: thuê thiết kế, lập dự toán; thuê tư vấn giám sát, quản lý; thẩm tra, thẩm định dự toán, quyết toán công trình… Điều này khiến cho số tiền người dân phải đối ứng tăng lên, số lượng hồ sơ quyết toán lớn. Tuy nhiên, kể từ khi có cơ chế đặc thù của huyện trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án thuộc chương trình NTM, chúng tôi chỉ cần làm áp dụng theo bộ hồ sơ thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do huyện ban hành. Tức là xóm sẽ không mất chi phí thuê tư vấn thiết kế và thẩm tra, thẩm định dự toán, quyết toán công trình. Vì vậy, khâu dự toán chi phí xây dựng công trình cũng đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra, xóm cũng được thành lập ban giám sát, ban quản lý công trình riêng, qua đó, giúp chúng tôi chủ động được việc thi công các hạng mục, giảm trừ chi phí thuê quản lý, giám sát công trình…
Bên cạnh lợi ích đối với nhân dân, cơ chế đặc thù này cũng giúp cán bộ cấp xã giảm tải được khối lượng công việc khi làm hồ sơ quyết toán các công trình. Chị Hoàng Kim Thoa, cán bộ kế toán xã Phú Đô cho biết: Trước đây, để quyết toán một công trình giao thông thì chúng tôi phải giải quyết rất nhiều hồ sơ liên quan đến các chi phí như: xây lắp mặt đường, lề đường, cống thoát nước; thiết kế, lập dự toán; thẩm tra dự toán, thẩm định quyết toán… Tuy nhiên, từ khi áp dụng cơ chế đặc thù của huyện, chúng tôi chỉ cần hoàn thiện thủ tục quyết toán chi phí xây lắp mặt đường. Do đó, tiến độ giải quyết hồ sơ các công trình hạ tâng NTM cũng nhanh hơn nhiều.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cơ chế đặc thù được huyện Phú Lương ban hành dựa trên cơ sở nắm bắt những vướng mắc, khó khăn thực tế của nhân dân trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Theo quyết định của UBND huyện, cơ chế này chỉ áp dụng đối với danh mục dự án, công trình thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM như: Đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương do cấp xã quản lý, nhà văn hóa xóm. Các công trình phải đảm bảo các tiêu chí: Quy mô nhỏ với tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng; kỹ thuật không phức tạp; có sự đối ứng, đóng góp của nhân dân bằng tiền và hiện vật, ngày công lao động. Thực hiện theo cơ chế đặc thù này, trên cơ sở thiết mẫu và hướng dẫn của các sở, ngành, huyện đã xây dựng 1 bộ hồ sơ thiết kế mẫu, thiết kế điển hình phù hợp với địa phương; giảm trừ chi phí thẩm tra, thẩm định dự toán, quyết toán và một số chi phí khác. Nếu như thiết kế mẫu không phù hợp với địa hình của xóm nào thì huyện sẽ lập thiết kế, dự toán cho địa phương đó với chi phí bằng 50% so với định mức kinh phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy định hiện hành.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã có trên 150 công trình giao thông nông thôn và gần 100 công trình nhà văn hóa xóm được hỗ trợ theo cơ chế đặc thù. Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, căn cứ vào những chính sách của tỉnh, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các những cơ chế đặc thù phù hợp để tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng NTM.