Cần cù, nhạy bén với thị trường và luôn sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất, anh Nguyễn Văn Hảo, xóm Ngọc Tiến, xã Phục Linh (Đại Từ) đã từng bước gây dựng được trang trại sản xuất gà giống, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Dáng người gầy nhỏ, nước da ngăm đen, vừa làm việc anh Hảo vừa kể cho chúng tôi nghe về quá trình lập nghiệp của mình. Năm 2000, anh xây dựng gia đình và được bố mẹ chia cho 2 sào lúa, 6 sào chè. Tuy vậy, quần quật với ruộng nương, đồi bãi quanh năm mà hai vợ chồng vẫn không đủ ăn. Các giống chè, lúa mới đều được anh đưa vào trồng, cấy nhưng với diện tích nhỏ thì không thể có sản lượng và thu nhập lớn được. Cuộc sống khó khăn, anh Hảo đi làm thuê đủ nghề để kiếm thêm thu nhập.
Đến năm 2003, anh chuyển một phần diện tích nương chè sang chăn nuôi gà. Ban đầu, vợ chồng chăn nuôi gà thịt. Thấy nguồn thu tăng cao, anh chị chăn nuôi thêm cả vịt, ngan, ngỗng. Đây cũng là thời điểm chăn nuôi phát triển rộ nên nhu cầu con giống ở địa phương tăng mạnh, anh lại chuyển sang sản xuất gà giống. Dần dần, toàn bộ diện tích trồng chè trước đây của gia đình được chuyển thành trang trại chăn nuôi.
Hơn 10 năm gây dựng, trang trại của vợ chồng anh đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng. Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, anh Hảo đã mày mò, tìm hiểu phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà với mục đích gia tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Không phải là kỹ sư nông nghiệp nên thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn khi chưa biết cách lấy tinh, cách pha tinh gà, gieo tinh cho gà mái đúng cách… dẫn đến tỷ lệ thụ tinh thành công chỉ đạt mức thấp. Miệt mài gần 2 năm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh đã có được một công thức riêng và áp dụng thành công trên đàn gà của mình. Cũng từ đây, anh chuyển đổi toàn bộ việc sản xuất gà giống từ phương thức cũ sang thụ tinh nhân tạo, tạo nên bước ngoặt lớn cho trang trại.
Anh cho biết: Nếu nuôi gà đẻ lấy giống theo truyền thống thì cứ 1.000 gà mái phải cần tới trên 120 con gà trống.Nhưng nếu áp dụng thụ tinh nhân tạo thì chỉ cần 25 gà trống/1.000 gà mái nhưngtỷ lệ trứng đẻ ra đạt tới trên 97% (tăng khoảng 70% so với phương pháp truyền thống). Bên cạnh đó, phương pháp mới còn giúp người nuôi chủ động lai tạo nhiều chủng loại, con giống lai phù hợp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Năm 2016, gia đình anh mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại gà đẻ ấp nở, áp dụng cách làm thụ tinh nhân tạo và đem lại thành công. Điều đặc biệt, người nông dân này dù không được đào tạo qua trường lớp nào về kỹ thuật nhưng đã tự mày mò, thiết kế các hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, bơm nước, hệ thống làm mát, cung cấp nước uống cho gà, điều chỉnh nhiệt độ… tích hợp với điện thoại thông minh. Chính vì vậy, công việc của anh không những giảm áp lực, vất vả mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.
Nói về ý tưởng ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý, điều khiển trang trại, anh Hảo chia sẻ: Trong một lần xem trên tivi, tôi thấy có nhiều mô hình trồng trọt công nghệ cao có thể điều chỉnh việc tưới nước qua smartphone, lúc này trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ sẽ nghiên cứu, chế tạo bộ điều khiển áp dụng vào một số hệ thống của trang trại mình. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu mày mò trên internet tìm hiểu các kiến thức về điện, mạch, chip, bán dẫn, sóng… rồi cẩn thận ghi chép lại những thứ hữu ích. Tiếp đó, tôi tìm đến các điểm thu mua phế liệu, cửa hàng linh kiện để tìm các thiết bị phục vụ cho việc sáng chế. Quá trình làm, tôi cũng tham khảo vài người bạn có chuyên môn và nhận được nhiều sự hỗ trợ. Sau 3 tháng mày mò, tôi đã chế tạo được bảng điều khiển tích hợp với điện thoại thông minh để quản lý một số hệ thống của trang trại.
Nhờ có bảng điều khiển tích hợp, với mỗi phần công việc, giờ đây, anh Hảo chỉ cần đặt lịch hoặc điều khiển trên điện thoại. Qua đó giúp gia đình giảm đáng kể chi phí thuê nhân công và tiết kiệm trong sản xuất. Hiện, trang trại của gia đình anh duy trì thường xuyên đàn gà giống từ 5.000 đến 6.000 con, sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, mỗi tháng xuất bán từ 4 vạn đến 6 vạn con giống, cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/tháng. Nhờ sự thành công trong chăn nuôi,nhiều hộ chăn nuôi ở trong và các tỉnh ngoài như Hà Nam, Yên Bái, Bắc Kạn… đã đến học và đượcanh Hảo chuyển giao công nghệ nuôi gà giống thụ tinh nhân tạo với mong muốn giúp nhau phát triển kinh tế và liên kết mở rộng thị trường. Gia đình anh nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Không những vậy, nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo kỹ thuật của anh được đánh giá cao và từng đạt giải thưởng trong các cuộc thi. Đơn cử như sáng kiến “Tự động hóa trong trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng” đã đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2019-2020 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.