Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và cúm gia cầm H5N6 đang xuất hiện, lây lan tại một số địa phương, các ngành chức năng của huyện Định Hóa đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Gần 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò, chưa bao giờ ông Nguyễn Tử Liệu, xóm Bản Lác, xã Kim Phượng lại cảm thấy lo lắng như hiện nay. Ông Liệu cho biết: Gia đình tôi duy trì nuôi 5 con bò, trong đó có 3 con bò giống sinh sản. Đây được xem là toàn bộ vốn liếng của cả gia đình nên khi phát hiện 3 con bò có dấu hiệu viêm móng, chán ăn, nổi cục trên da, tôi đã báo ngay với chính quyền địa phương để tìm kiếm biện pháp hỗ trợ kịp thời. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, 3 con bò của gia đình dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Để tránh cho 2 con còn lại bị lây nhiẽm cũng như không làm lây lan dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi khác, ngoài việc tiêm thuốc chữa trị, tôi đã nhốt những con bị bệnh ra khu vực riêng và thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại.
Trường hợp mắc viêm da nổi cục ở bò được phát hiện đầu tiên tại huyện Định Hóa từ giữa tháng 3-2021. Ca nhiễm trên được ghi nhận ở xã Lam Vỹ sau đó lan ra các xã khác trên địa bàn. Tính đến ngày 30-3, dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò đã lây lan ra 14 xóm tại 5 xã của huyện gồm: Bình Thành, Lam Vỹ, Linh Thông, Kim Phượng, Tân Thịnh. Đến nay, đàn bò của huyện có 69 con mắc bệnh, trong đó, đã tiêu hủy 3 con, chữa khỏi cho 56 con, những con còn lại đang được điều trị bệnh.
Không chỉ riêng dịch bệnh trên bò, dịch cúm gia cầm H5N6 cũng đã xuất hiện tại Định Hóa. Cụ thể, vào ngày 16-3, cơ quan chuyên môn của huyện đã lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm và xác định dương tính với dịch cúm gia cầm H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi gà ở xóm Dạo, xã Bộc Nhiêu. Đồng thời, tiến hành tiêu hủy toàn bộ 400 con gà của 2 gia đình này. Hiện nay, trên địa bàn chưa ghi nhận thêm đàn gà bị mắc cúm H5N6, song do mầm bệnh còn có thể tồn tại trong môi trường, nguy cơ bùng phát dịch cao nên các cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền xã Bộc Nhiêu tiêm khoảng 30.000 liều vắc-xin phòng cúm gia cầm H5N6 cho trên 90% đàn gia cầm của xã (trừ thủy cầm), cùng với đó, người dân trong xã đang tích cực khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch khác.
Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có khoảng 7.800 con trâu, bò; 35.000 con lợn và trên 750.000 con gia cầm. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được người dân trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Vì vậy, để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tiêm phòng trên đàn vật nuôi để phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tổ chức tiêm phòng định kỳ đợt 1 năm 2021 cho đàn gia súc với 3.150 liều vắc-xin tụ huyết trùng; 8.000 liều tụ dấu; bệnh tả 9.000 liều. Vừa qua, khi phát hiện bùng phát dịch viêm da nổi cục ở bò, Trung tâm cũng đã tiếp nhận và triển khai tiêm phòng 700 liều vắc-xin tại các xã: Linh Thông, Lam Vỹ, Bình Thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Xuân Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa cho biết: Trong thời gian này, chúng tôi đang chỉ đạo đội ngũ cán bộ thú y cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt được tình hình dịch bệnh để kịp thời có biện pháp xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, tăng cường khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, không giấu dịch, không buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường. Huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm, các phòng chuyên môn và địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.