Trong sản xuất nông nghiệp, chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng. Do vậy, việc đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) cung ứng ra thị trường luôn được cơ quan chuyên môn cũng như các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Đại Từ chú trọng.
Trung bình mỗi năm, huyện Đại Từ gieo cấy trên 12.000ha lúa và khoảng 5.000ha rau màu các loại. Với diện tích sản xuất lương thực như trên, người dân có nhu cầu rất lớn về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tính riêng lượng phân bón trung bình là hơn 8 tạ/ha/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thành Vinh, ở xã Tiên Hội cho biết: Sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3 là thời điểm các đại lý, người dân đi mua phân bón nhiều nhất trong năm. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, Công ty đã cung cấp khoảng 7 tấn phân bón các loại. Để đảm bảo chất lượng vật tư cung ứng, Công ty chỉ kinh doanh hàng hóa từ các nhà sản xuất có uy tín.
Còn bà Nguyễn Thị Khuy, ở xóm 1, xã Vạn Thọ cho biết: Tôi kinh doanh các loại VTNN đã được hơn 10 năm. Cửa hàng của tôi chủ yếu là cung cấp cho bà con trong vùng nên nguồn hàng nhập về, tôi phải lựa chọn rất kỹ. Các loại VTNN được niêm yết giá công khai tại cửa hàng để người dân tiện theo dõi. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng như Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức để cập nhật kiến thức, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Huyện Đại Từ hiện có khoảng 280 cơ sở kinh doanh VTNN, bao gồm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Thời gian qua, các công ty, hộ kinh doanh VTNN trên địa bàn đã chủ động nắm bắt thị trường, cơ cấu giống của địa phương để xây dựng kế hoạch nhập, cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhằm phát huy hiệu quả việc sử dụng VTNN trong sản xuất, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, chủng loại. Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức 8 lớp tập huấn, thu hút trên 600 lượt học viên tham gia. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện còn thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực tế tại các hộ kinh doanh, chi nhánh bán VTNN để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có vi phạm nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Bà Phan Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ thông tin: Để kiểm soát chặt chẽ thị trường VTNN, đảm bảo nguồn hàng chất lượng cho bà con, hàng năm, Phòng đều tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở kinh doanh, cung cấp VTNN trên địa bàn. Riêng năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã thực hiện kiểm tra trên 20 cơ sở kinh doanh VTNN, xử lý vi phạm đối với 15 cơ sở (chủ yếu là vi phạm về các điều kiện đảm bảo kinh doanh như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giấy phép kinh doanh hết hạn…), thu nộp ngân sách huyện 22,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong các buổi kiểm tra, chúng tôi tiến hành tuyên truyền các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời, thường xuyên tự kiểm tra chất lượng, loại bỏ những vật tư đã hết hạn sử dụng.
Vụ xuân năm nay, toàn huyện Đại Từ gieo cấy hơn 5.500ha lúa (tương đương cùng kỳ năm trước) và trên 1.500ha cây màu. Đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn huyện đã và đang cung ứng cho người dân đủ về chủng loại và số lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ cho việc chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, để tránh việc mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, người dân chỉ nên mua VTNN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở được cấp phép và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ năng suất, chất lượng cây trồng.