Từ cuối năm 2020 trở lại đây, cùng với các loại con giống, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tính toán kỹ việc tái đàn để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây “đội” chi phí.
Nếu như trước đây, gia đình chị Trần Thị Hạnh, ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) thường duy trì đàn lợn với số lượng trung bình 100 con/lứa thì năm nay, gia đình chị chỉ chăn nuôi 60 con/lứa. Giãi bày về điều này, chị Hạnh nói: Chưa khi nào giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tiếp nhiều đợt và cao như hiện nay. Để nuôi 1 con lợn thịt đạt trọng lượng 100kg thì phải tiêu tốn 10 bao thức ăn loại 25kg/bao, trị giá khoảng 3 triệu đồng (tăng 400.000 đồng so với cũng kỳ năm 2020). Cộng với giá lợn giống trung bình 2,8 triệu đồng/con và chi phí vắc xin phòng bệnh, thuốc khử trùng tiêu độc, điện, nước… tính ra cũng tiêu tốn gần 6 triệu đồng/con, chưa tính công lao động. Với chi phí này, nếu giá lớn hơi thấp hơn 65.000 đồng/kg thì chúng tôi bị lỗ.
Đối với các hộ chăn nuôi gà, việc giá cám tăng đã khiến nhiều gia đình lao đao bởi từ năm 2020 đến nay, giá gà vẫn giữ ở mức thấp và chưa có dấu hiệu hồi phục. Chị Lạc Thị Thịnh, một hộ chăn nuôi gà ở xóm Mận, xã Phục Linh (Đại Từ) chia sẻ: Trước đây, nhà tôi nuôi trung bình 10.000 con gà/lứa nhưng nay chỉ dám nuôi 7.000 con. Với mức giá thức ăn cao như hiện nay, trung bình cứ 1.000 con gà nuôi đến kỳ xuất bán tiêu tốn gần 100 triệu đồng tiền chi phí con giống, thức ăn, vắc xin. Trong khi đó, giá gà hiện nay chỉ đang ở mức 46.000 - 48.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi chịu lỗ. Vì vậy, chúng tôi phải bổ sung thêm các loại ngô, khoai, sắn để giảm chi phí chăn nuôi.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, từ giữa năm 2020 trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp 6 lần. Đến thời điểm này, mỗi bao cám đã tăng từ 40.000-45.000 đồng/bao (loại 25 kg). Cụ thể, giá cám gia cầm đang ở mức 265-280 nghìn đồng/bao; giá cám gia súc là khoảng 290.000 - 300.000 đồng/bao. Nguyên nhân giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Hiện, giá đỗ tương và ngô trong nước (2 nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi) cũng đã tăng từ 2.500 - 4.000 đồng/kg. Giá cám tăng không chỉ khiến các hộ chăn nuôi lo lắng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gặp khó bởi sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Chị Dương Thị Châm, chủ hộ kinh doanh cám, thuốc thú y ở xóm Vải, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Năm ngoái, trung bình mỗi tháng, nhà tôi bán được 80-90 tấn cám các loại nhưng nay giảm còn một nửa.
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp - PTNT, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn giữ ở mức cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng ngành chăn nuôi. Trước tình hình trên, nhằm giảm thiểu tác động bất lợi do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây ra, ngành chức năng khuyến cáo bà con đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp như: lựa chọn con giống tốt; phối trộn thêm các loại thức ăn như ngô, sắn… để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt đàn để hạ giá thành sản xuất.