Nỗ lực xây dựng thương hiệu mật ong Ôn Lương

09:02, 27/04/2021

Tận dụng lợi thế đất rừng và điều kiện thời tiết, những năm qua, nông dân trên địa bàn xã Ôn Lương (Phú Lương) đã phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật. Và với sự ra đời và phát triển của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương đang mở ra hướng đi mới, hiệu quả giúp người dân nơi đây nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi ong lấy mật.

Người dân xã Ôn Lương có truyền thống nuôi ong từ lâu đời, tuy nhiên, chủ yếu chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống để tự cung, tự cấp nên nên năng suất và sản lượng mật đạt thấp. Phải đến năm 2014, khi HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương được thành lập đã mở ra một hướng đi mới với các kỹ thuật chăm sóc hiệu quả, nuôi ong lấy mật mới trở thành nghề đem lại lợi ích kinh tế cho bà con. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Xứng, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương chia sẻ: Trước kia, các hộ dân trong xã tự nuôi ong lấy mật nhưng mỗi nhà chỉ có vài thùng và sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Sau khi tìm hiểu nhu cầu của thị trường và học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương khác, chúng tôi nhận thấy, mật ong là sản phẩm khá được khách hàng ưa chuộng với gia bán tương đối cao, ổn định. Vì vậy, sau khi thành lập HTX, các thành viên đã tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nuôi ong ở các địa phương khác có khí hậu tương đồng; chủ động học cách chăm sóc ong mật, làm thùng nhốt, bố trí khoảng cách đặt thùng cho hợp lý… trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Để tạo ra sản phẩm mật ong chất lượng, mang đặc trưng của địa phương, các thành viên trong HTX đã kết hợp nuôi ong với trồng các loại hoa tự nhiên khác để cho ra sản phẩm mật theo mùa. 

Anh Phan Hải Đăng, ở xóm Na Tủn, xã Ôn Lương bộc bạch: Gia đình tôi là một trong những hộ có số đàn ong cao nhất nhì xã, với 200 đàn, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1,2 tấn mật. Hiện nay, cùng với nâng cao năng suất, chất lượng mật ong, chúng tôi đang hướng đến xây dựng dựng thương hiệu và tem nhãn sản phẩm để khẳng định uy tín trên thị trường…

Đúng như lời anh Đăng, thương hiệu vẫn luôn là điều các thành viên HTX cũng như người nuôi ong lấy mật ở Ôn Lương mong mỏi. Bởi tính đến trước năm 2020, hầu hết sản phẩm mật ong HTX làm ra đều phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá rẻ và không ổn định. Từ cuối năm 2002, được sự quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ phía Chi cục phát triển nông nghiệp tỉnh, mật ong của HTX không còn là sản phẩm thô mà đã có bao bì, mẫu mã bắt mắt, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Theo đó, HTX đã được hỗ trợ thiết kế logo và quy chuẩn, hướng dẫn sử dụng logo; 4 mẫu tem nhãn; túi hộp giấy đựng sản phẩm; chai thủy tinh đựng sản phẩm; tem dán quảng bá sản phẩm… Nhờ vậy, sản phẩm mật ong Ôn Lương ngày càng gia tăng sức nhận diện trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Giá bán mật ong cũng tăng lên, đạt từ 150-200 nghìn đồng/lít, cao hơn 20-30% so với giai đoạn trước. Đến nay, HTX nông nghiệp san toàn xã Ôn Lương có 13 thành viên. Trong đó, có 5 thành viên nuôi ong mật với khoảng 500 đàn. Sản lượng mật bình quân mỗi năm của HTX là khoảng 3 tấn. Hiện các thành viên HTX đang tiếp tục mở rộng thêm thành viên và phát triển đàn ong về số lượng, chất lượng. 

Ông Dương Văn Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, sản phẩm mật ong của xã Ôn Lương nói riêng, huyện Phú Lương nói chung đều có chất lượng tốt. Tuy nhiên, do địa phương vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu đặc trưng nên người tiêu dùng có thể biết đến mật ong Phú Lương. Nhận thấy điều này, Chi cục đã tổ chức hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong cho HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương. Cùng với đào tạo nghề nuôi ong lấy mật cho bà con, chúng tôi dành trên 60 triệu đồng để hỗ trợ HTX tạo dựng được thương hiệu mật ong có chỗ đứng trên thị trường. Thực tế đã chứng minh, cách hỗ trợ này phù hợp với nhu cầu của người dân và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch hỗ trợ các địa phương có lợi thế phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Phú Lương xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.