Phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng vụ xuân

10:12, 07/04/2021

Trong những ngày qua, thời tiết liên tục có mưa, trời âm u, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh gây hại phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn trên cây lúa, bệnh phồng lá trên cây chè. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã tăng cường điều tra, nắm tình hình những vùng cây trồng xuất hiện sâu bệnh gây hại nặng; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con cách phòng, trừ kịp thời.

Đến cánh đồng xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), chúng tôi bắt gặp bà con nông dân đang tập trung làm cỏ, bón phân và phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại cho lúa xuân. Nhổ một khóm lúa lên để quan sát, ông Diệp Văn Sinh, một hộ dân ở xóm Đồng Chốc chia sẻ: Vụ này, nhà tôi cấy 3,5 sào lúa giống JO2. Từ tuần trước, tôi đã phát hiện cây lúa bị bệnh đạo ôn và mua ngay thuốc trừ sâu về phun. Thế nhưng, do thời tiết mưa liên tục nên cây lúa vẫn chưa thể khỏi bệnh hẳn, tôi sẽ tiếp tục phun thêm một lần nữa để loại trừ triệt để.

Theo ghi nhận của ngàng Nông nghiệp, không chỉ riêng xã Nam Hòa mà ở một số địa phương khác thuộc các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương… đều có diện tích lúa bị bệnh đạo ôn với tỷ lệ trung bình 1-5%, có nơi cao đến 10%, cá biệt lên đến 40-50% lá bị bệnh (Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên, Phú Bình). Mặc dù diện tích bị nhiễm không nhiều nhưng bệnh đạo ôn đang có xu hướng tăng, phạm vi gây hại rộng nếu không được phòng, trừ kịp thời. Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng gây hại với tỷ lệ trung bình 5-10%, tổng diện tích nhiễm là 1.000ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng 20ha. Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… gây hại rải rác. Đối với cây chè, toàn tỉnh có 500ha bị bệnh phồng lá với tỷ lệ hại trung bình 1-5%, tập trung ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ.

Trước tình hình sâu bệnh có nguy cơ gây hại tăng, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh đã đi kiểm tra thực tế để nắm bắt tình hình; đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường điều tra đồng ruộng và có văn bản hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin: Để phòng bệnh, bà con bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali kết hợp làm cỏ, giữ nước hợp lý, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Đối với những ruộng đã xuất hiện bệnh, bà con dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng và phân bón lá, giữ đủ nước trong ruộng. Đặc biệt, bà con cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục được phép lưu hành như: Fuji-One 40EC, 40WP; Lúa vàng 20WP; Kasai 16.2SC,21.2WP; Katana 20SC… Những ruộng bệnh gây hại nặng phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày.

Đối với bệnh phồng lá chè, bà con vệ sinh sạch sẽ, tỉa bớt cành, lá để tạo độ thông thoáng, nhặt cành, lá rụng đem đốt hoặc chôn sâu để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm và bón phân đạm đơn, cần bổ sung kali để tăng sức chống bệnh cho cây. Cùng với đó, bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau: Starsuper 20WP; Manage 5WP; Stifano 5.5SL… để phun trừ.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 28,7 nghìn ha lúa, đạt 101% kế hoạch và trên 15,6 nghìn ha cây màu các loại, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân gây hại nhẹ từ trung tuần tháng 4, tháng 5, giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng, trỗ. Bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại tăng vào khoảng đầu tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa trỗ vào tháng 4, tháng 5. Trên cây chè, rầy xanh, bọ cánh tơ gây hại tăng nhẹ từ cuối tháng 4. Vì vậy, để cây trồng, sinh trưởng phát triển tốt, bà con cần thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phun phòng trừ kịp thời đối với các loại sâu bệnh gây hại để tránh làm ảnh hưởng đến năng suất.