Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viên da nổi cục ở trâu, bò, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã và đang tích cực vào cuộc triển khai khẩn cấp các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Với tổng đàn trâu, bò là gần 25.000 con, huyện Phú Bình là địa phương chăn nuôi đại gia súc trọng điểm của tỉnh. Theo bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Phú Bình: Ngày 7-4, khi nhận được thông tin 3 xã Nga My, Kha Sơn, Đào Xá đã xuất hiện trường hợp bò của một số hộ chăn nuôi có biểu biện nghi mắc bệnh viêm da nổi cục, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Đến ngày 9-4, cả 4 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.
Ngay trong ngày, huyện Phú Bình đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại 3 xã; họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện, đồng thời công bố dịch viêm da nổi cục ở trâu bò tại 3 địa phương trên… Huyện cũng đã cấp 1.500 lít dung dịch khử trùng cho các xã, chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, rắc vôi khử trùng; giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức cho hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh trong vùng dịch ký cam kết không được giết mổ, mua bán động vật bị bệnh, nghi mắc bệnh. Cùng với đó, yêu cầu tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát tổng đàn trâu, bò và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Nhờ vậy, ý thức tự giác, tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi đã được nâng cao. Đơn cử như gia đình ông Dương Văn Tiếp, xóm Phú Minh, xã Đào Xá. Khi phát hiện 1 con bê chết trong chuồng, gia đình đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đến kiểm tra và tiêu hủy. Ông Tiếp cho hay: Trước đó, khi bê con có dấu hiệu sốt và nổi một số nốt mụn trên da, gia đình tôi quyết định không bán tháo vì lo ngại động vật bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục sẽ làm lây lan dịch ra diện rộng. Hiện gia đình đã cách ly và theo dõi số bò khỏe mạnh trong chuồng; rắc vôi và phun khử trùng xung quanh chuồng trại…
Không riêng tại vùng có dịch, ở các xã lận cận (thuộc vùng uy hiếp), người dân cũng đã nắm bắt đầy đủ thông tin về bệnh viêm da nổi cục và sẵn sàng các biện pháp phòng, chống. Anh Nguyễn Văn Vĩnh, xóm Vạn Già, xã Bảo Lý chia sẻ: Do nằm tiếp giáp với vùng dịch là xã Đào Xá nên tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác ở địa phương chọn cách nuôi nhốt trâu, bò tại chuồng trại của gia đình hoặc chỉ chăn thả gần nhà. Ngoài việc tăng cường vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, gia đình tôi cũng chú trọng bổ sung thức ăn dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời theo dõi đàn bò kỹ hơn nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của các loại bệnh trên đàn vật nuôi.
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, tính đến 16 giờ ngày 15-4, dịch VDNC trên trâu bò đã xuất hiện tại 7 xã Đào Xá, Nga My, Kha Sơn, Úc Kỳ, Bàn Đạt, Thượng Đình, Tân Kim; tiếp tục lấy 6 mẫu ở các xã Hà Châu, Thanh Ninh, Xuân Phương, Tân Khánh, Nhã Lộng và Thị trấn Hương Sơn nghi mắc bệnh viêm da nổi cục đang chờ kết quả xét nghiệm. Tổng số gia súc mắc bệnh và nghi mắc bệnh VDNC tại 13 xã là 193 con. Toàn huyện đã tiêu hủy 22 con bê mắc bệnh và nghi mắc bệnh với tổng trọng lượng 2.824kg…
Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan trên đàn trâu, bò, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, huyện Phú Bình đã đề xuất, đăng ký với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cấp 14.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Trong thời gian chờ vắc xin, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành của tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường giám sát đàn vật nuôi, đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch tiếp tục lây lan.