Lịch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I năm 2021 trên địa bàn T.P Thái Nguyên là từ ngày 10-3 đến ngày 10-4. Tuy nhiên, tính đến nay, dù sắp hết thời hạn tiêm phòng nhưng kết quả tiêm đạt rất thấp, đặc biệt đối với việc tiêm phòng cho trâu, bò. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên (đơn vị trực tiếp triển khai công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên địa bàn), tính đến ngày 30-3, địa phương mới tiêm được 400 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò, đạt 11,42% so với chỉ tiêu đặt ra. Tương tự, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, số lượng tiêm cũng chỉ đạt 600 liều, bằng trên 17% chỉ tiêu.
Có thể thấy những con số nêu trên thật sự đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hoặc lây nhiễm dịch bệnh lớn đối với đàn trâu, bò trên địa bàn thành phố. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêm phòng dịch bệnh cho trâu, bò đạt thấp, bà Đào Thị Kim Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên cho biết: Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 12/1/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, thì năm nay, vắc xin tiêm phòng cho trâu, bò (bao gồm vắc xin lở mồm long móng và vắc xin tụ huyết trùng) sẽ không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, mà người chăn nuôi phải tự chi trả. Theo đó, nếu tính chi phí cho cả 2 mũi tiêm người chăn nuôi phải chi trả 31.700 đồng/1 con trâu/bò (tính cả tiền công tiêm). Việc tỷ lệ tiêm phòng thấp có thể xuất phát từ tâm lý sợ tốn kém của người chăn nuôi, nên họ dè dặt trong việc đăng ký tiêm phòng, bảo vệ sức khỏe đàn trâu, bò.
Một nguyên nhân nữa khiến kết quả tiêm phòng cho trâu, bò đạt thấp đó là đơn vị được giao nhiệm vụ tiêm phòng không chủ động được nguồn tiền để đặt mua vắc xin. Cũng theo bà Quý, nếu như những năm trước Nhà nước cấp tiền hỗ trợ mua vắc xin từ sớm, Trung tâm hoàn toàn chủ động trong việc mua vắc xin, thì năm nay do người dân tự bỏ tiền mua vắc xin, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều bước, vừa hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký mua vắc xin, thu tiền, sau đó mới tiến hành thực hiện các bước đấu thầu để mua các loại vắc xin nên bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, khi cán bộ Trung tâm và địa phương đến vận động người dân tiêm phòng dịch bệnh cho đàn trâu, bò thì nhiều hộ thoái thác và nêu phương án tự tổ chức tiêm qua dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, qua giám sát của chúng tôi, tỷ lệ trâu, bò được tiêm phòng qua các kênh dịch vụ là rất thấp.
Một nguyên nhân nữa là trên địa bàn thành phố hiện nay không còn mạng lưới thú y viên cơ sở như những năm trước. Hiện chỉ còn 11/32 xã, phường bố trí được chức danh nhân viên thú y, các xã, phường còn lại cán bộ phụ trách công tác thú y đều kiêm nhiệm, họ không có nghiệp vụ chuyên môn về công tác thú y nên không thể trực tiếp tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên chuyên theo dõi công tác thú y trên địa bàn thành phố rất mỏng, cả Trung tâm chỉ có hai cán bộ theo dõi mảng thú y, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Hiện, T.P Thái Nguyên có trên 16.000 con lợn (chưa kể các trang trại lớn), tổng đàn trâu, bò là trên 3.500 con. Theo cán bộ chuyên môn, gia súc, gia cầm hằng năm nếu không được tiêm phòng sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm các loại bệnh rất cao, đặc biệt đối với trâu, bò thường dễ nhiễm 2 loại bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Năm 2020, T.P Thái Nguyên đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, khiến trên 20% tổng đàn lợn trên địa bàn bị chết, phải tiêu hủy. Mặc dù trên đàn trâu, bò thời gian qua chưa xảy ra dịch, nhưng cũng thường xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ. Đặc biệt, hiện nay, một số xã trên địa bàn thành phố như: Tân Thành, Đồng Liên đã xuất hiện một số con trâu, bò có triệu chứng nghi mắc bệnh viêm da nổi cục, đang được các ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp chữa trị.
Với thực tế này, thiết nghĩ, để bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt đối với đàn trâu, bò, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn thì chính quyền các xã, phường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thấy được lợi ích của việc tiêm phòng cho đàn gia súc. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cũng tự ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.