Trở lại xã Phú Đô (Phú Lương), tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của một miền đất bán sơn địa thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Phú Lương.
5 năm qua, Phú Nam 1 đã được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, nhà văn hóa xóm, phòng làm việc của hợp tác xã, hệ thống cân và máy hút chân không. Trong đó khu nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè trị giá 2,6 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khu chế biến chè tập trung của hợp tác xã cũng đang được gấp rút xây dựng. |
Trưa muộn, các hộ gia đình xóm Phú Nam 1 vẫn mải miết thu hái, cắt cành và chăm bón chuẩn bị cho vụ chè mới. Nắng rắc lên núi đồi muôn cánh tơ vàng óng ánh. Những luống chè uốn lượn biếc nõn tạo nên khung cảnh huyền diệu. Diện tích chè của xóm phần lớn bao quanh những nếp nhà còn tươi màu sơn mới, hoặc bên các sườn đồi, một số ít trải trên các chân ruộng tạo thành bức tranh quê nhiều mầu sắc.
Bà con trong xóm kể với tôi rằng: Trước đây, do chưa biết lựa chọn giống chè và đầu tư về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, chè cho giá trị kinh tế thấp, nên số hộ trồng chè không nhiều. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi và được sự quan tâm về nhiều mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hiện nay chè đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo. Thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất tinh thần tiếp tục được cải thiện.
Tìm hiểu thực tế, tôi được biết xóm Phú Nam 1 hiện có 60 hộ gia đình thì tất cả đều trồng chè, với diện tích đang cho thu hoạch là 47ha, trong đó có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lương bình quân đạt 12 tấn chè búp tươi/năm. Giống chè được trồng ở đây là: Thúy Ngọc, chè lai LDP1, Trung du, nhưng nhiều nhất là Tri 777. Các loại chè này có ưu điểm là khi trồng cho tỷ lệ sống cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Cây sinh trưởng khỏe, mật độ búp dày và mập, rất thích hợp cho chế biến chè đặc sản.
Toàn bộ diện tích chè của xóm đều đã được trang bị giàn tưới tự động. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và quản lý toàn bộ mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 cho biết: - Chè là cây trồng chủ lực của xóm. Dự án Saemaul Hàn Quốc đã giúp đỡ rất nhiều để làng nghề phát triển toàn diện về đời sống, kinh tế xã hội. Hiện, thành viên của hợp tác xã có 1 cán bộ là Phó Chủ tịch UBND xã, 1 kỹ sự nông nghiệp của xã, 1 cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện. Saemaul Phú Nam 1 đang sản xuất 7 loại chè: Phú Nam trà đinh, trà tôm nõn đặc biệt, trà tôm nõn đặc sản, Kim Ngọc trà, trà móc câu đặc biệt, Trà móc câu đặc sản, Trà xanh đặc sản. Hợp tác xã đảm nhận hướng dẫn các hộ gia đình trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, đảm bảo sản xuất chè sạch, an toàn. Loại phân hữu cơ NTT của Trường Đại học Nông lâm được hợp tác xã cung ứng cho tất cả các hộ… Thời gian tới, bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới, hợp tác xã tập trung vận động và hướng dẫn các hộ xã viên lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất chè hữu cơ. Để có thể nâng cao sản lượng thu mua, tiêu thụ chè cho bà con nông dân, hợp tác xã đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản sản phẩm Phú Nam 1 bằng nhiều hình thức. Không chỉ tham gia hội chợ, lễ hội, lễ vinh danh làng nghề của huyện và tỉnh, hợp tác xã còn mang chè tham gia hội chợ tại Phú Xuyên, Vân Từ (Hà Nội) và sang cả hội chợ tại Quảng Châu (Trung Quốc) bán giới thiệu, tìm kiếm khách hàng...
Tuy nhiên do cây chè mới phát triển mạnh những năm gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm của Saemaul Phú Nam 1 chưa hẳn đã hết khó khăn. Phần lớn sản lượng chè vẫn tiêu thụ qua các kênh nhỏ lẻ, phân tán, chưa có những đầu mối tiêu thụ và các hợp đồng lớn với bạn hàng. Hy vọng tòa nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm trà và khu chế biến sản phẩm tập trung đi vào hoạt động nay mai, sẽ tạo điều kiện cho trà Saemaul Phú Nam 1 và cây chè trên vùng đất này cơ hội phát triển mới.
Nhấp chén trà thơm đượm, màu vàng xanh, uống xong có vị ngọt, lắng sâu trong vị giác không thua kém bất cứ một loại chè nơi nào khác, tôi tin những ai đã thưởng thức hương vị trà Saemaul Phú Nam 1 sẽ thực sự ấn tượng.
Ngắm nhìn những nương chè ngời ngợi màu xanh nõn ánh lên như ngọc, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và vui mừng trước thành quả bước đầu người dân đã cần cù tạo dựng. Dường như trong sắc chè tươi non ấy, mùa xuân vẫn ngập tràn.