Đi đầu trong phát triển kinh tế; năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động; tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xóm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình... Đó là nhận xét của lãnh đạo xã La Hiên (Võ Nhai) khi nói về gia đình vợ chồng bà Lý Thị Trúc và ông Lương Đình Hướng, những người đã và đang “vác tù và hàng tổng” ở xóm Khuôn Ngục.
Xóm Khuôn Ngục nằm cách trung tâm xã La Hiên gần 7 km, là xóm đặc biệt khó khăn duy nhất hiện nay của xã. Xóm có 67 hộ với 320 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm trên 90%. Cuộc sống của người dân trong xóm trước đây vô cùng khó khăn, năm 2016, cả xóm vẫn còn trên 60% số hộ nghèo. Mặc dù người dân đa phần làm nông nghiệp nhưng nhiều gia đình lại thiếu đất sản xuất, tự cung tự cấp là chính. Vì thế, khi được bà con nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, bà Lý Thị Trúc luôn trăn trở “Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó để giảm được số hộ nghèo?”. Trăn trở là vậy nhưng khi tuyên truyền, vận động người dân trong xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế thì lại gặp không ít khó khăn do người dân chưa quen với cây trồng mới, phần vì chưa nắm vững được khoa học - kỹ thuật về các loại cây mới...
Nhưng bà Trúc không nản chí. Bà đã bàn tính với chồng tìm phương án để phát triển kinh tế gia đình mình trước. Bà Trúc tâm sự: Là trưởng xóm, vì thế tôi suy nghĩ mình có làm trước, kinh tế gia đình có phát triển thì bà con trong xóm mới nghe và làm theo. Biến suy nghĩ thành hành động, vợ chồng bà Trúc đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích vườn tạp, diện tích trồng ngô 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè và trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình bà có 4 sào chè và hơn 2 ha cây ăn quả gồm bưởi, cam, nhãn đã và đang cho thu hoạch. Năm 2018, từ 1.000m2 đất đồi vợ chồng bà đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà gia công, mỗi năm nuôi được 3 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 4.000 con. Với những nỗ lực, cố gắng mỗi năm đã đem về cho gia đình bà trên dưới 100 triệu đồng.
Từ thành công trong phát triển kinh tế của gia đình bà Trúc, nhiều người dân trong xóm đã học tập làm theo. Bà Trúc không chỉ tận tình chia sẻ mà còn cầm tay hướng dẫn tỉ mỉ người dân từ khâu chọn giống, làm đất cho đến khi thu hoạch. Đồng thời bà còn phối hợp với chính quyền địa phương để người dân trong xóm được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật thông qua việc tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó sau 6 năm, xóm đã chuyển đổi được hơn 12 ha chè, gần 10 ha cây ăn quả, đồng thời đưa các giống lúa cho năng suất cao như Nhị ưu 838, J02 thay cho các giống lúa bản địa vào gieo cấy trên diện tích 20ha, chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo với tổng đàn 50 con...
Đơn cử như hộ gia đình anh Dương Văn Chinh, đồng bào dân tộc Mông đã thoát nghèo 2 năm nay và có cuộc sống khá giả. Anh Chinh chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả trong phát triển kinh tế của gia đình bà Trúc, tôi đã cải tạo hơn 7 sào vườn trồng ngô 1 vụ sang trồng 3 sào chè, hơn 30 gốc nhãn và trồng xen canh ngô, đồng thời nuôi 2 con bò vỗ béo và 4 con lợn thịt mỗi lứa. Nhờ đó tôi đã xây được nhà mới khang trang, sắm sửa được một số đồ dùng sinh hoạt hiện đại.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, gia đình, gia đình bà Trúc còn tích cực trong phong trào hiến đất làm đường giao thông. Năm 2016, khi tuyến đường trục xóm dài 2,5km được đổ bê tông từ nguồn vốn Chương trình 135, gia đình bà đã tự nguyện hiến gần 200m2 đất vườn, đồng thời bà cũng đã vận bà con hiến đất, qua đó đã có 10 hộ dân hiến trên 1.000m2 đất và tài sản trên đất để xây dựng tuyến đường. Không chỉ vậy, những năm qua bà Trúc còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan như: ma chay, cưới hỏi kéo dài ngày; nhờ thầy mo đến cúng để chữa bệnh mỗi khi có người ốm đau; tảo hôn; sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm không hợp vệ sinh; chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới sàn nhà... Ông Lý Văn Sung, một người dân trong xóm cho biết: Nhờ được đoàn thể ở xóm đến tuyên truyên truyền, vận động nên hiện nay gia đình có ai bị bệnh tôi đều đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Không chăn nuôi gia súc thả rông nữa mà chăn bò theo hướng vỗ béo, chuồng trại nuôi nhốt đều làm cách xa nhà ở và được vệ sinh thường xuyên.
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Mặc dù là xóm xa nhất, khó khăn nhất, có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất nhưng trong những năm qua cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với xóm 135 và sự gương mẫu, tận tụy của gia đình bà Lý Thị Trúc mà hiện nay xóm Khuôn Ngục đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, cuối năm 2020 xóm chỉ còn 22 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.
Không chỉ có sự đóng góp của gia đình bà Trúc mà sự đổi thay của xóm Khuôn Ngục trong những năm qua còn có sự song hành của chồng bà là đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm ông Lương Đình Hướng. Vì thế đầu năm năm 2021 ông Hướng được con bà con trong xóm tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, còn bà Trúc được bầu làm người có uy tín. Khi nhắc đến gia đình bà Trúc, người dân trong dân trong xóm thường gọi với cái tên trìu mến “gia đình vác tù và hàng tổng”.