Hai nữ thủ lĩnh đưa chè La Bằng "cất cánh"

08:51, 02/05/2021

Họ là hai nữ thủ lĩnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè ở Đại Từ: Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã  Chè La Bằng (HTX) và Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty C.P Chè Hà Thái (xã La Bằng). Với hai chị, chè chính là “nhựa sống”.

13 năm dựng xây một thương hiệu

Tôi còn nhớ chuyến đi đến La Bằng (Đại Từ) cách đây chừng 7 năm. Trên những vạt chè chạy dọc theo bờ suối Kẹm, lúc này, có khá đông người đang hái chè. Duy chỉ có một phụ nữ đi một lượt các bãi chè, đến đâu, chị cũng bứt vài ngọn đưa lên miệng nhấm thử rồi nhận định: Bãi này lứa này ngon, bãi này bón đạm chưa đủ thời gian cách ly, bãi này phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn… Điều khiến tôi đặc biệt quan tâm đó là chủ nhân của những bãi chè trên đều công nhận lời chị nói là đúng. Chị là Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chè La Bằng.

Theo câu chuyện bên chén trà thơm, chúng tôi được biết, ngay từ nhỏ, chị Hải đã theo mẹ đi bán chè khắp các chợ. Đến khi học xong phổ thông, chị theo bác đi bán chè ở ngoài tỉnh. Chè ngon nên ai cũng thích nhưng lại chẳng mấy người biết chè La Bằng ở đâu. Chị chia sẻ: Chè chưa có tiếng nên dù ngon đến đâu, bán vẫn không được giá. Tiếp sau đó, năm 2000 tôi tham gia vào HTX chè Tiến Thành (xóm Tiến Thành, xã La Bằng), cũng đi tham gia rất nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm. Pha uống thử khách nào cũng khen ngon, nhưng vẫn như trước đó họ không hề biết đến La Bằng. Lúc này, tôi lờ mờ nhận ra tầm quan trọng của việc phải chứng minh La Bằng là một vùng chè ngon. Khát khao khẳng định cái tên cho vùng chè quê hương được chị nung nấu từ đó. Tuy nhiên, từ mong mỏi đến hành động là cả quãng đường gian truân.

Chị trải lòng: Nhà tôi lúc ấy mỗi lứa làm cũng được mấy chục cân chè khô. Nhưng làm được đến đâu tôi mang đi mời người ta uống thử đến đấy, gần như chẳng thu về được đồng nào. Đó là chưa kể, sau rất nhiều nỗ lực, sản phẩm của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận và bắt đầu được người tiêu dùng biết đến. Thế nhưng, khó khăn mới lại phát sinh. HTX không không có trụ sở làm việc, tiền vốn cũng đã cạn. Nhiều xã viên không còn đủ kiên nhẫn,  9 người xin ra khỏi HTX.

Không bỏ cuộc giữa chừng, chị nhẫn nại vận động thêm 3 người khác để đủ 7 thành viên, đảm bảo điều kiện giữ lại HTX. Đang lúc khó khăn, HTX nhận được tín hiệu vui có khách về tham quan và đặt hàng. Sản phẩm chè La Bằng dần có chỗ đứng trên thị trường.

- Vậy cũng được coi như “khổ tận cam lai”?- Tôi cảm thán.

- “Đâu có dễ dàng như thế!”- Chị bảo. “Khó khăn vừa tạm qua đi thì năm 2010, huyện Đại Từ có dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể chè La Bằng. Đến khi gửi hồ sơ về Cục sở hữu trí tuệ thì vì HTX của chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu trước nên không thể tiếp tục cấp chứng nhận chè La Bằng cho huyện. Lúc này địa phương mong muốn chúng tôi nhượng lại vô điều kiện nhãn hiệu HTX đã đăng ký để hướng tới lợi ích của số đông. Tôi về bàn bạc với xã viên, mọi người không nhất trí, vì HTX chỉ mới vừa tạm vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng ý nhượng lại nhãn hiệu đồng nghĩa với thiệt hại về kinh tế rất lớn, chưa kể đến công sức bỏ ra suốt mấy năm trời. Tuy vậy, vì lợi ích chung của nhân dân toàn xã, tôi vẫn kiên trì thuyết phục, vận động xã viên ký vào biên bản nhượng lại nhãn hiệu của HTX.

Cứ như vậy, ròng rã 13 năm, chị Hải vừa kiên trì, vừa nhẫn nại, âm thầm cùng những người nặng lòng với cây chè quê hương từng chút, từng chút làm nên thương hiệu chè La Bằng quê hướng. Và một trong những dấu mốc thành công hơn cả là vào năm 2017, sản phẩm là của HTX được chọn làm quà tặng cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam.
 
Bước lên bục vinh quang trên diễn đàn quốc tế

Cũng như chị Hải, hơn 20 năm lăn lộn, gắn bó với cây chè, chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái luôn đau đáu làm sao để “quốc thủy” này được đánh giá đúng giá trị thực của nó. Cho nên, khi phần đa người làm chè vẫn trồng, chăm sóc chè theo phương thức thủ công thì chị lại chọn đi ngược con đường. Vốn liếng và tài sản có bao nhiêu chị dành cả cho chè và kiên định chọn cách làm chè “sạch”. Nhiều người can ngăn chị không nên mạo hiểm, vì chi phí đầu tư lớn mà giá bán chè vẫn như các sản phẩm làm theo phương pháp canh tác cũ. Không mảy may dao động, vì chị tin, chỉ có làm ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao mới là con đường bền vững nhất.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái với bộ sản phẩm mới “Tứ quý trà”.

Sự nghiêm túc và say mê của chị Hiền với chè đã được đền đáp xứng đáng khi Hà Thái có sản phẩm giành được giải Bạc tại Cuộc thi chè quốc tế Bắc Mỹ. Nhớ lại cảm xúc khi đó, chị Hiền chia sẻ: Thời điểm ấy là năm 2016, Công ty CP Chè Hà Thái gửi mẫu chè tham gia Cuộc thi với hy vọng giới thiệu đến bạn bè quốc tế loại chè riêng có của quê hương. Và, thật vui khi giá trị của sản phẩm đã được nhận diện và công nhận. Đó cũng là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trên hành trình phát triển của Hà Thái.

Kể từ đó, cùng với đặc sản chè tôm nõn, Công ty CP Chè Hà Thái còn cung cấp hàng chục loại chè đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường… 3 năm sau ngày nhận giải thưởng Quốc tế đầu tiên, cũng tại Cuộc thi này, một sản phẩm nữa của Công ty đã giành được giải Vàng. Kết quả này tiếp tục mở ra nhiều cơ hội và khẳng định giá trị của chè Việt Nam nói chung, chè Thái Nguyên nói riêng.
                                                                                                     ***
Càng tiếp xúc, tôi càng trân trọng tình yêu và sự tâm huyết chị Hải, chị Hiền dành cho mỗi sản phẩm chè. Các chị miệt mài vun xới từ khi cây chè chỉ là những mầm non đến khi trổ cành, ra búp. Rồi lại tỉ mỉ kiểm tra từng phân đoạn chế biến, trau chuốt từ bao bì, đến cách đóng gói rồi từng dòng chữ in trên sản phẩm. Với chị Hải, chị Hiền, có lẽ chè không chỉ là mặt hàng kinh doanh mà con là tình yêu các chị mang theo trong suốt cuộc đời. Và những đóng góp của các chị, đã và đang góp phần làm chè Thái Nguyên vươn mình tỏa hương khắp bốn phương.