Nồng nàn hương quế

15:30, 30/05/2021

Không chỉ là loài cây quý được sử dụng nhiều trong y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu… đem lại thu nhập cao cho người nông dân vùng núi, cây quế còn góp phần vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, tạo cảnh quan đẹp. Triển khai thực hiện dự án trồng cây quế từ năm 2015, đến nay huyện Định Hoá đã có gần 2.700ha quế. Nhiều hộ dân vùng chiến khu xưa cuộc sống ngày càng ấm no nhờ bắt đầu có thu nhập từ loài cây dược liệu quý này. 

Là chủ 8ha rừng trong đó có đến hơn 4ha quế, ông Bùi Văn Hanh, 55 tuổi, ở xóm Hồng Lương, xã Trung Lương được coi là tỷ phú rừng của huyện Định Hoá, cũng là người đầu tiên đưa cây quế về trồng từ hơn 20 năm trước. Bên ấm trà ngát hương, ông Hanh tâm sự chuyện đời, chuyện làm ăn, chuyện bén duyên với vùng đất lành Thủ đô kháng chiến năm xưa. Theo lời kể của ông Hanh, ông quê gốc ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thời trẻ phiêu bạt khắp nơi, buôn bán hàng hoá. Vì thế ông thường vào các xóm bản để thu mua nông sản. Cảm nhận Định Hoá là vùng đất lành, con người hồn hậu chất phác, đất đai rộng rãi, nghề trồng rừng có nhiều triển vọng, rất phù hợp với niềm đam mê cây cối của ông, vì thế ông đã thuyết phục gia đình chuyển từ đồng bằng lên sinh sống ở vùng rừng núi. 

Năm 1997, ông Hanh mua khoảng 4ha đất rừng tại Trung Lương để trồng keo, chè và một số loại cây ăn quả. Là một trong những người đầu tiên ở Định Hóa xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trong đó đầu tư vào trồng rừng, ông đã đi tham quan nhiều mô hình rừng tại nhiều tỉnh miền núi để tìm hiểu mô hình hiệu quả và phù hợp nhất. Ông đã chọn cây quế để đưa về trồng ở vùng đất vốn dĩ là xứ sở của cọ và chè.

Cây quế, dù mới mẻ đối với Thái Nguyên, lại là loài cây có từ lâu đời ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được coi là thủ phủ cây quế của tỉnh Yên Bái. Theo tương truyền của đồng bào dân tộc Dao Yên Bái, cây quế được một người thợ săn phát hiện từ xa xưa. Trong một lần lên rừng săn bắn, người thợ săn đó thấy giữa rừng bạt ngàn có một loại cây hạt đen, rất nhiều chim, sóc ăn, ông nhặt nếm thử thấy vừa thơm, vừa cay, vò nát hạt bôi lên chân tay thấy côn trùng không đốt, vắt không cắn. Biết là cây quý, người thợ săn bèn lấy hạt về trồng quanh bản làng. Khi ấy, cuộc sống quá khó khăn nên bà con thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Từ khi trồng được cây này, bà con đã pha chế vỏ và hạt thành nhiều loại thuốc để trị bệnh cứu người.

Thực tế, từ xa xưa, quế đã là một trong bốn loại thuốc quý bao gồm: Sâm, Nhung, Quế, Phụ, trở thành một vị thuốc không thể thiếu trong Đông y. Nhân dân ta dùng vỏ cây quế mài vào nước đun sôi để nguội rồi uống để chữa trị các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông huyết mạch, làm cho cơ thể ấm lên. Nhiều nơi trên thế giới gọi cây quế là cây “chữa bách bệnh”. 

Trong đời sống hàng ngày, quế là một loại gia vị được nhiều người ưa thích, dùng để nấu phở, hầm thịt, khử bớt mùi tanh của cá, làm cho món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn. Quế còn được dùng để sản xuất bánh kẹo, rượu quế… Gỗ quế được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Trước đây, tinh dầu quế luôn được coi là “thần dược” đối với sức khỏe con người, thì nay nó càng càng được phát huy giá trị trong phòng, chống đại dịch. Theo kinh nghiệm dân gian, xông hương bằng tinh dầu quế giúp làm sạch không khí, phòng tránh được các loại virus gây bệnh. Một số cơ sở y tế cũng đã sản xuất nước rửa tay khử trùng từ tinh dầu quế để phục vụ phòng chống virus SARS-CoV-2.

Ông Hanh nói rằng tuy rằng quý như thế nhưng quế hoàn toàn không khó trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, cây lớn nhanh và có hàm lượng tinh dầu cao. Những cây đầu tiên ông mua từ Yên Bái về đều sống tốt, nay đều đã cao to lắm, có cây chu vi thân lên tới 30 - 40cm, mỗi cây to có thể bóc được 2 - 3 tạ vỏ.

Quế thường được gieo trồng vào tháng 1, 2 âm lịch, cây non ưa bóng râm nên cần trồng xen với các loại cây có tán. Bận nhất là chăm sóc trong 6 năm đầu, từ năm thứ 7 trở đi khi cây đã trưởng thành thì không phải chăm sóc nhiều và bắt đầu có thu nhập ổn định từ tỉa thưa. 

Trước đây, người dân thường thu hoạch quế khi cây được 10 năm tuổi bằng cách chặt hạ cả cây xuống, chặt hết cành lá và bóc lấy vỏ. Gần đây, để khai thác lâu dài, chỉ bóc tách một phần vỏ quế để sau một thời gian cây sẽ tự tái sinh lớp vỏ mới, sau khoảng 1 năm lại có thể bóc tiếp. 

Chỉ với thu nhập từ phát tỉa cành, cây con và khai thác diện tích ít ỏi trồng thử nghiệm trước đây, mỗi năm ông Hanh thu về từ 300 - 400 triệu đồng từ cây quế. Ông chắc chắn rằng sau khoảng 15 năm chăm sóc, mỗi ha quế cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng, cao gấp vài lần so với trồng các loại cây lâm nghiệp khác như keo, mỡ hay bạch đàn. Rừng quế có chu kỳ đến cả trăm năm, cây càng to càng có giá trị. Có thể nói trồng quế là rất bền vững, lâu dài cả về thu nhập và giữ độ che phủ rừng. 

Từ triển vọng của cây quế, năm 2015, UBND huyện Định Hoá đã liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu) thực hiện Dự án trồng quế. Phía doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân đồng thời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế để chế biến tinh dầu tại địa phương. Để khuyến khích nhân dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống. Hàng năm, ngành Kiểm lâm đều có cấp cây giống, phân bón cho bà con nhân dân trên địa bàn, có cán bộ xuống tận xóm thôn hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm cây đạt tỷ lệ sống cao nhất.

Dự án trồng quế được triển khai rộng khắp tại 24/24 xã thị trấn. Hiện, toàn huyện đã có khoảng 2.700ha, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, vỏ quế tươi được thu mua với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, cành lá tươi từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở các xã trong huyện đã thu nhập ổn định từ cây quế.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng ATK Định Hoá chia sẻ: Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để lưu giữ lại những giá trị lịch sử, thì người dân xung quanh rừng phải được hưởng lợi rừng. Xác định mục tiêu đưa cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế, phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025. Kế hoạch năm 2021, huyện thực hiện trồng 1.000ha rừng, trong đó có diện tích quế khá lớn. 

Dễ thấy, việc phát triển kinh tế rừng đã góp phần làm vùng ATK đổi thay thật rõ nét với những con đường nông thôn mới trải dài, mọc lên nhiều ngôi nhà mới khang trang. Trong màu xanh biếc bạt ngàn của rừng núi chiến khu, đan xen màu xanh thẫm của những rừng quế đang độ trưởng thành. Giữa muôn hương thơm cây cỏ của Định Hoá, có hương quế nồng cay, thật quyến rũ mà thật ấm áp.