Phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng

08:07, 14/05/2021

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao được xem là yếu tố tiềm ẩn khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao. Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong mùa nắng nóng năm nay.

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng 6-7 năm tuổi chuẩn bị đến thời kỳ khai thác, anh Lã Văn Chức, cán bộ Lâm nghiệp xã Phủ Lý (Phú Lương) chia sẻ: Toàn xã có gần 1.000ha rừng, đều là rừng sản xuất. Những năm gần đây, rừng đã đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho người dân địa phương. Bình quân 1ha rừng cho doanh thu khoảng 70-80 triệu đồng sau 6-7 năm chăm sóc nên bà con rất quan tâm, chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm bảo vệ tài sản của gia đình. Ngay trước khi bước vào mùa nắng nóng, bà con đã chủ động vào rừng kiểm tra, phát dọn thực bì, thu gom cành lá khô và tạo các đường băng cản lửa nhằm đề phòng cháy rừng xảy ra.   
 
Với trên 16.800ha rừng, gồm: 14.150ha rừng sản xuất và 2.713ha rừng phòng hộ, huyện Phú Lương là một trong 8 vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Do đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng ngừa cháy rừng; phát huy vai trò của các tổ, đội quản lý và bảo vệ rừng tại thôn, xóm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng Công an, quân sự để tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời các điểm cháy và huy động lực lượng tại chỗ để chữa cháy kịp thời. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn. 
 
- Toàn tỉnh hiện có 179.914 ha rừng. Trong đó: Rừng đặc dụng 36.211ha; rừng phòng hộ 45.971ha; rừng sản xuất 97.732 ha. 
- Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng (tăng 3 vụ so với năm 2019) với tổng diện tích bị thiệt hại là 16,63ha (tăng 11,13ha so với năm 2018). Các địa phương xảy ra cháy rừng gồm: Đại Từ 2 vụ; T.X Phổ Yên 2 vụ; T.P Sông Công 1 vụ.  
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Do hầu hết diện tích rừng trên địa bàn đều có địa hình phức tạp, hiểm trở nên rất khó khăn trong việc huy động các phương tiện, nhân lực khi xảy ra cháy rừng. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng lên hàng đầu. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 165 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại mỗi thôn, xóm. Các tổ đội có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại những khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng để phát hiện và xử lý kịp thời khi có đám cháy. 
 
Không chỉ tại huyện Phú Lương, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được cơ quan kiểm lâm tại các đơn vị trong toàn tỉnh chú trọng. Theo đó, bước vào mùa nắng nóng, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ rừng thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, tổ chức tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và người dân.
 
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin: Để chủ động trong công tác này, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với UBND các xã có rừng kiện toàn các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn, xóm theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm các địa phương cũng thường xuyên tiến hành tuần tra tại những vùng có nguy cơ cháy cao, thực hiện làm đường băng cản lửa; tích cực tuyên truyền tới người dân về các quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy… Với nguồn kinh phí được cấp năm 2021, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng của Chi cục đã được trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện như: Máy bơm nước, bàn dập lửa, máy thổi gió, đèn pin, dao phát, quần áo, giày chữa cháy… để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có sự cố cháy rừng xảy ra tại các địa phương.
 
Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian tới, thời tiết nắng nóng sẽ còn kéo dài, đặc biệt, tháng 6 và tháng 7 tới sẽ là cao điểm của mùa nắng nóng, đây cũng là thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy,  chữa cháy rừng, góp phần bảo vệ tốt những cánh rừng trên địa bàn tỉnh.