Hướng đi mới ở Đồng Lá 2

07:18, 10/07/2021

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Điềm Mặc (Định Hóa) đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao vào trong sản xuất. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi ốc nhồi tại xóm Đồng Lá 2.

Chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình anh Đoàn Văn Thiết, xóm Đồng Lá 2, là người đầu tiên đưa ốc nhồi về nuôi tại xã Điềm Mặc. Anh Thiết chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi tình cờ mua được 5kg ốc giống về nuôi với mục đích để làm thực phẩm. Một thời gian ngắn sau khi nuôi, nhận thấy ốc nhồi sinh trưởng nhanh, lại có giá trị kinh tế cao nên tôi đã mở rộng quy mô trên toàn bộ diện tích hơn 1 mẫu ao của gia đình. Vừa nuôi, tôi vừa học hỏi kỹ thuật qua các mô hình trong, ngoài tỉnh và tìm đọc các tài liệu, video clip trên internet. Qua đó, tôi nắm được chu kì sinh trưởng, tập tính để có phương pháp nuôi phù hợp. Với giá trên thị trường từ 600-700 nghìn đồng/kg trứng ốc, chỉ tính riêng thu nhập từ việc bán trứng ốc, năm 2020, gia đình anh Thiết thu về trên 300 triệu đồng. Cộng với thu nhập từ bán ốc giống và ốc thương phẩm, gia đình anh thu về gần 600 triệu đồng/năm. Từ thành công bước đầu, anh Thiết đã chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi cho các hộ nông dân địa phương với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu.

Được chia sẻ kinh nghiệm từ gia đình anh Thiết, năm 2019, anh Chu Mạnh Tiến, xóm Đồng Lá 2, đã bỏ ra gần 50 triệu đồng để cải tạo 3 sào ao của gia đình và mua ốc giống về nuôi. Năm 2020, gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng từ việc bán trứng và ốc giống. Anh Tiến nói: Mặc dù tiếp cận với nghề nuôi ốc nhồi chưa lâu nhưng tôi nhận thấy đây là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể sinh trưởng tốt. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn là bèo tấm, lá cây, các loại rau, củ, quả thả nổi trên mặt nước, nên dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi sào ao nuôi ốc nhồi có thể cho thu lãi từ 50-70 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, tận dụng nguồn nước từ hồ Đồng Lá, đến nay, toàn xã Điềm Mặc đã có gần 20 hộ nuôi tham gia nuôi ốc nhồi, tập trung chủ yếu tại xóm Đồng Lá 2. Tuy mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả cao, nhưng vào khoảng thời gian cuối năm 2020, do bà con sử dụng thêm nhiều loại thức ăn tinh bột làm nhiều môi trường bị ô nhiễm, sinh bệnh khiến ốc chết hàng loạt. Thêm vào đó, mùa đông hàng năm tại khu vực xã cũng xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng của ốc.

Theo ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc: Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện có đánh giá cụ thể về tiềm năng phát triển mô hình nuôi ốc nhồi tại địa phương. Qua có đó những cơ chế, chính sách để người dân được tiếp cận với nguồn vốn, kỹ thuật chăn nuôi tiêu chuẩn, giúp tối ưu hiệu quả kinh tế và mở rộng mô hình đến các hộ dân có nhu cầu. Căn cứ vào hiệu quả chăn nuôi và đánh giá của cơ quan chuyên môn, xã Điềm Mặc cũng sẽ xây dựng đề án, quy hoạch phát triển mô hình chăn nuôi ốc nhồi tại địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù ốc nhồi dễ nuôi, song để ốc đạt năng suất cao thì người dân cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn bảo đảm sạch sẽ. Đặc biệt, ốc chỉ sinh trưởng và phát triển khi thời tiết ấm áp, khi nhiệt độ xuống thấp, ốc nhồi gần như không phát triển hoặc chết. Vì vậy, để chăm sóc và bảo vệ ốc nhồi trong mùa đông, người nuôi ốc nhồi, nhất là ốc giống cần chú ý thực hiện các biện pháp giữ ấm cho ốc bằng cách luôn duy trì mực nước sâu, phủ kín bèo tây trên ao nuôi. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại có thể căng ni lông, bạt… để che phủ mặt nước.