Người dân phải mua nước để sản xuất

08:31, 19/07/2021

Đúng vào những ngày cao điểm chuẩn bị gieo cấy nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến hơn 70ha đất lúa tại miền Lịch Sơn, thuộc xã La Hiên (Võ Nhai) thiếu nước nghiêm trọng. Để đảm bảo khung thời vụ, bà con phải kéo nước từ nhà, hoặc mua nước của các hộ dân khác. 

Miền Lịch Sơn gồm 5 xóm: Khuôn Vạc, Đồng Dong, Cây Thị, Khuôn Ngục, Làng Giai với tổng số trên 550 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Sán Chay, Mông) chiếm trên 50%. Kinh tế của trên 90% hộ dân ở các xóm trên đều phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy vậy, do cả vùng rộng lớn chỉ có vài lạch suối nhỏ nên nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất của bà con miền Lịch Sơn từ nhiều đời nay chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa. Vì vậy, nếu như mọi năm, đến thời điểm này, người dân tại miền Lịch Sơn đã cơ bản cấy xong lúa mùa thì năm nay, thời tiết không thuận, mua ít nên tại nhiều cánh đồng, bà con mới chỉ cấy được khoảng hơn 50% diện tích. 

Do không thể trông chờ vào nguồn “nước trời” nên các hộ dân ở đây đã phải vận dụng nhiều cách khác nhau để dẫn nước về ruộng. Ông Dương Văn Thư, người dân xóm Làng Giai chia sẻ: Vụ mùa mọi năm, khi làm đất để gieo cấy, tôi chỉ cần mang máy ra bơm nước từ mương lên là đủ dùng nhưng năm nay, đến thời điểm này, các mương đều không có nước. Để phục vụ gieo cấy gần 10 sào ruộng của gia đình, tôi phải tìm cách kéo nước từ giếng khoan của gia đình ra ruộng.

Anh Trương Văn Lầu, xóm Làng Giai là một trong nhưng hộ may mắn khi con kênh chạy qua ruộng nhà mình vẫn có nước nhưng anh phải be bờ chặn nước cả ngày mới đủ nước bơm vào 2 sào ruộng.

Tuy vậy, cách làm như của ông Thư chỉ phù hợp với những hộ dân có ruộng cách nhà không quá xa, còn các hộ ở cách ruộng hàng cây số thì đành phải mua nước tưới của những gia đình khác. Trò chuyện với chúng tôi trong khi đang tháo nước từ kênh vào ruộng, ông Ma Văn Tiệp, ở xóm Cây Thị buồn rầu: Mấy ngày trước trời có mưa nhưng không lớn, nước không đủ để chảy vào ruộng. Thấy người dân các xóm khác tất bật cày bừa, làm đất để gieo cấy khiến tôi đứng ngồi không yên, cực chẳng đã tôi đành phải mua nước của một hộ dân trong xóm với giá 30 nghìn đồng/sào để cày bừa.

Đang chờ đến lượt được mua nước để phục vụ việc gieo cấy cho 4 sào ruộng của gia đình, bà Nguyễn Thị Tuyên, xóm Cây Thị nhẩm tính: Các chi phí đầu tư cho 1 sào lúa hiện nay gồm thuê cày bừa, thuê cấy, gặt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, nếu được mùa thì sau khi thu hoạch nhà tôi cũng chỉ lãi được vài trăm nghìn đồng. Tuy vậy, vụ mùa năm nay còn phải cộng thêm cả tiền mua nước nên chắc gia đình không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn. 

Cũng như tình trạng của gia đình ông Thư, ông Tiệp, bà Tuyên, nhiều hộ dân khác tại miền Lịch Sơn cũng đang trong tình trạng thiếu nước sản xuất vụ mùa. Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ mùa là người dân miền Lịch Sơn lại gặp khó khăn về nguồn nước tưới cho lúa, nhưng năm nay, tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn do thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa ít. Mặc dù miền Lịch Sơn có 2 đập thuỷ lợi nhỏ là Khe Cái, Đầu Khe do người dân xóm Cây Thị và Đồng Dong tự đắp nhưng năm nay, do mưa ít nên các đập này cũng cạn trơ đáy. Nếu thời gian tới không có mưa lớn thì sẽ rất khó để đảm bảo đủ nước cho sản xuất, cây lúa sẽ bị khô hạn và ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Được biết, để khắc phục tình trạng trên cũng như giúp người dân 5 xóm thuộc miền Lịch Sơn chủ động được nguồn nước tưới, xã La Hiên đã có phương án nâng cấp, xây mới các hồ đập, tuy nhiên, do không có kinh phí nên các công trình này vẫn chưa thể triển khai. Do đó, xã đang xin nguồn hỗ trợ từ các ngành chức của huyện, tỉnh để xây dựng công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con.