Với kế hoạch bảo tồn các giống lúa đặc sản kết hợp với sản xuất lúa hữu cơ, huyện vùng cao Võ Nhai kỳ vọng sẽ không chỉ duy trì các giống lúa chất lượng cao của địa phương mà còn tạo bước đột phá về phương thức và kỹ thuật sản xuất. Qua đó, tăng năng suất cây trồng đồng thời tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Lâu nay, bà con nhân dân trên địa bàn huyện Võ Nhai vẫn thường truyền miệng cụm từ “cơm Phương Bá” để nói về sản phẩm gạo bao thai ngon bậc nhất trong vùng được trồng ở cánh đồng Phương Bá, rộng 150ha thuộc địa bàn 4 xóm của xã Dân Tiến gồm: Phương Bá, Đồng Quán, Làng Chẽ, Thịnh Khánh. Tuy nhiên, những năm gần đây, danh hiệu này có phần bị mai một do chất lượng sản phẩm gạo bao thai trên cánh đồng này dần giảm sút.
Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến chia sẻ: Mỗi năm, toàn xã trồng 2 vụ lúa với tổng diện tích khoảng 650ha, trong đó có gần 80% diện tích cấy lúa bao thai. Mặc dù gạo bao thai Dân Tiến vẫn được đánh giá ngon bậc nhất huyện Võ Nhai nhưng so với trước kia, chất lượng đã suy giảm khá nhiều. Nguyên nhân một phần là do lúa giống và quy trình chăm sóc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, phân bón vô cơ...
Không riêng xã Dân Tiến, hầu hết các địa phương trong huyện Võ Nhai đều xảy ra tình trạng này. Trong đó có cả những địa phương vốn nổi tiếng bởi sản phẩm gạo ngon như: Tràng Xá, Bình Long, Phương Giao… Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sản xuất lúa trên địa bàn những năm gần đây đứng trước thách thức không nhỏ bởi việc ứng dụng giống mới cho năng suất cao nhưng làm mai một các giống lúa đặc sản. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu và tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đã khiến chất lượng nông sản, đặc biệt là cây lúa bị suy giảm.
Vụ xuân năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Mậu, xóm Đồng Tác, xã Tràng Xá (Võ Nhai) trồng 2 mẫu lúa bao thai, thu về gần 4 tấn thóc.
Ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết: Trong khi chất lượng lúa suy giảm thì người tiêu dùng lại có xu thế quan tâm đến an toàn thực phẩm và nhu cầu sử dụng nông sản an toàn, chất lượng cao. Xuất phát từ điều này, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm xây dựng, triển khai dự án Bảo tồn các giống lúa đặc sản kết hợp sản xuất lúa hữu cơ tại các xã có vùng sản xuất tập trung nhằm tạo ra sản phẩm tốt, giá trị cao đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm sản lượng lương thực của huyện đạt 51 nghìn tấn/năm.
Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021 trên diện tích 400ha, thuộc các xã: Phú Thượng, Bình Long, Phương Giao, Dân Tiến, Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên, Cúc Đường với các giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng và truyền thống canh tác của bà con gồm: Bao thai đặc sản, nếp cái hoa vàng và nếp hèo.
Trong giai đoạn 2022-2025, Dự án sẽ hỗ trợ duy trì diện tích sản xuất 100ha/năm, tập trung tại 3 xã: Dân Tiến, Bình Long và Phương Giao. Tổng kinh phí triển khai Dự án là gần 5,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách của tỉnh và huyện hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng; còn lại do các HTX, tổ sản xuất, nhóm hộ, hộ nông dân tham gia đối ứng. Theo tính toán, mỗi ha diện tích trồng lúa đặc sản chất lượng cao, hữu cơ sẽ cho thu hoạch 6 tấn lúa/vụ, với giá trị lợi nhuận đạt khoảng 36 triệu đồng, cao hơn khoảng 10% so với quy trình sản xuất thông thường.
Theo ông Phạm Xuân Thái, Dự án thực hiện thành công không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng cao mà còn giúp Võ Nhai xây dựng thương hiệu gạo riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện, các xã tham gia dự án đã chủ động lựa chọn khu vực trồng thí điểm, đối tượng tham gia. Với dự án này, huyện Võ Nhai kỳ vọng sẽ thu hút được đông đảo nông dân quan tâm, làm theo và nhân rộng các mô hình điểm. Qua đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 2,4 nghìn ha cấy lúa đặc sản theo hướng chất lượng cao, hữu cơ, chiếm trên 50% diện tích lúa toàn huyện.