Tạo giá trị từ chuỗi liên kết

07:35, 02/10/2021

Nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch cho sản phẩm của các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.

Sau khi được công nhận các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX Bình Minh ở xã Nhã Lộng (Phú Bình) đã được bày bán tại siêu thị Aloha và một số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX phấn khởi: Được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hỗ trợ, chúng tôi đã có đầy đủ kiến thức về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX trồng và chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện ghi chép sổ theo dõi từ lúc trồng đến khi thu hoạch. Hiện nay, chúng tôi đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với một số đơn vị trong tỉnh. 

Đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), việc được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hỗ trợ cấp 20.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-Code cũng đã tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận các thị trường lớn hơn. Anh Miêu Văn Long, Giám đốc HTX thông tin: Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được trên 150 tấn rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, sản phẩm của bà con mới chỉ bán cho các thương lái hoặc tại chợ truyền thống chứ chưa có đầu ra ổn định. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp chúng tôi nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và hướng tới xây dựng thương hiệu riêng. Sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại một số cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ xây dựng được 56 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi thịt lợn, thịt gà, rau… Để nâng cao ý thức của người dân trong bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, hàng năm, Chi cục còn thực hiện hiệu quả công tác kiểm định, chứng nhận VietGAP, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.

Cụ thể, Chi cục đã tổ chức 60 lớp tập huấn về sản xuất rau, quả, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 12 lớp tập huấn chăn nuôi an toàn cho người dân và các trang trại chăn nuôi. Đồng thời, triển khai hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất rau, quả, chè; hướng dẫn các nông trại mở sổ ghi chép nhật ký nông hộ, hỗ trợ bảo hộ lao động cho các trang trại chăn nuôi. Cùng với đó, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện đánh giá nội bộ cho các cơ sở sản xuất chè, cây ăn quả, chăn nuôi đăng ký đạt chứng nhận VietGAP. Chi cục còn cấp phát cho các huyện, thành, thị gần 10.600 tờ gấp có nội dung hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm; cấp 480.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-Code cho 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, chè xanh, bánh chưng, giò chả…

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các đơn vị về thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, QR-Code; hỗ trợ hình thành thêm các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử…