Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng trên 11.000ha cây màu các loại (giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm ngoái). Ðể có vụ sản xuất thắng lợi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tuân thủ đúng lịch khung thời vụ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong gieo trồng, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Mùa này, đi trên cánh đồng ở các xã, phường ven sông Cầu như: Huống Thượng, Túc Duyên, Cam Giá, Hương Sơn, Đồng Liên… (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những ruộng ngô, rau đang vươn lên xanh mướt. Chị Ngô Thị Thu, ở tổ 15, phường Hương Sơn chia sẻ: Vụ này, nhà tôi trồng 5 sào ngô nếp HN88. Đây là giống ngô ăn rất thơm, dẻo và ngọt nên được người tiêu dùng ưa thích. Đến khi thu hoạch, có lái buôn đến tận ruộng thu mua với giá khoảng 2 nghìn đồng/bắp. Trung bình 1 sào ngô, nhà tôi thu lãi 2 triệu đồng. Ngoài ra, lá và thân ngô còn có thể tận dụng làm thức ăn cho bò.
Cùng tập trung đầu tư cho vụ đông nhưng chị Nguyễn Thị Thủy, ở tổ 15, phường Túc Duyên lại chọn trồng các loại rau. Chị Thu cho biết: Nhà tôi đã xuống giống bắp cải được hơn 1 tháng nay, hiện cây bắt đầu cuộn lá, dự kiến khoảng 1,5 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch bắp cải xong, tôi sẽ trồng tiếp 1 vụ hành.
Năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng hơn 11.000ha cây màu các loại như: Rau, ngô, khoai tây, cà chua, đậu tương, khoai lang… Nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, tỉnh triển khai hỗ trợ giá giống khoai tây với mức 450 nghìn đồng/sào (tổng diện tích hỗ trợ là 290ha); giá giống bí xanh, bí đỏ với mức 150 nghìn đồng/sào (diện tích 360ha) và giá giống cà chua, dưa chuột với mức 130 nghìn đồng/sào (diện tích 290ha).
Để bảo đảm tiến độ thời vụ, ngay sau khi thu hoạch trà lúa mùa sớm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân bắt tay ngay vào sản xuất vụ đông. Nhờ vậy, tính đến ngày 27-10, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống đạt 100% kế hoạch. Do gieo trồng đúng khung thời vụ, bảo đảm cơ cấu giống, kỹ thuật, đến thời điểm này, đa phần diện tích cây vụ đông đang sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại, dự kiến cho năng suất cao. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dễ dàng, thuận tiện hơn cũng là cơ hội cho các hộ dân tập trung sản xuất phục vụ thị trường trong dịp Tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Trong vụ đông, chúng tôi khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng rải vụ, tránh thu hoạch số lượng lớn nông sản cùng một thời điểm để hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, thực hiện quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ nay đến hết vụ, chúng tôi sẽ cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên điều tra, nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và các loại sâu bệnh gây hại như: Rệp, bọ nhảy, sâu xanh, bệnh sương mai hại rau; sâu keo mùa thu hại ngô... Từ đó, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến năng suất.
Sản xuất vụ đông diễn ra trong điều kiện nền nhiệt độ xuống thấp, thường xảy ra các đợt rét đậm, rét hại. Vì vậy, cùng với việc quan tâm tới khâu phòng trừ sâu bệnh, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, bà con cần tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Trong những ngày rét đậm, rét hại, bà con tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng, có thể làm giàn, sử dụng ni-lông để che, hạn chế sương muối gây táp lá rau, hoa.