Hướng tới sản xuất không chất thải, không phế phẩm

09:24, 24/12/2021

Xử lý phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ hay tạo khí đốt từ chất thải trong chăn nuôi là cách làm đang được nhiều hộ nông dân T.P Sông Công áp dụng. Đây là những mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang được thành phố tích cực nhân rộng, nhằm gia tăng giá trị nông sản, hạn chế tác động đến môi trường.

Xã Bá Xuyên hiện có hơn 40 trạng trại chăn nuôi gà, quy mô 5.000-8.000 con/lứa/trang trại. Trước đây, cách 3-4 ngày, người dân phải vệ sinh chuồng trại một lần, mất rất nhiều thời gian và nhân công. Tuy nhiên, khi người dân đầu tư đệm lót sinh học kết hợp với men vi sinh làm đệm lót nền; làm hệ thống lọc khí và dàn phun sương tạo độ ẩm, mùi hôi giảm hẳn, sau một lứa gà (khoảng 3-4 tháng) mới phải xử lý chất thải.

Ông Đặng Văn Phúc, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở xóm Na Chùa, cho hay: Đệm lót được phối trộn men sinh học giúp phân, nước tiểu của gà giảm khí độc và mùi hôi. Từ khi áp dụng phương pháp này (năm 2016), gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 13 - 20% chi phí, vật nuôi phát triển khỏe mạnh, phân gà sau khi thu dọn đệm lót được bán lại để phục vụ trồng trọt, từ đó tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.

Nhằm nâng cao giá trị nông sản, hiện nay, một số nông dân trên địa bàn thành phố cũng đã tự làm phân bón, thuốc diệt côn trùng từ các phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguyên liệu từ thiên nhiên để chăm sóc rau màu, chè.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi được nhiều nông hộ dân trên địa bàn T.P Sông Công áp dụng nhằm tiết giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như Hợp tác xã Trà Cao Sơn, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, từ năm 2017, các thành viên đã chuyển sang sử dụng men vi sinh ủ với chất thải gia súc, gia cầm, thân cây mục, đậu tương và cá ươn để làm phân bón hữu cơ chăm sóc 5ha chè. Đồng thời phun thuốc thảo mộc được chế biến từ gừng, tỏi, ớt, xả, lá xoan để diệt côn trùng.

Bà Lê Thị Quang, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Thời gian đầu, do chưa quen với phương thức sản xuất mới, năng suất chè giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, khi đã thuần thục kỹ thuật ủ phân bón hữu cơ và cách sử dụng, chúng tôi nhận thấy cây chè khỏe, cho năng suất ổn định, thành phẩm có vị ngon và đậm hơn, giá bán cao hơn so với chè thường từ 100-150 nghìn đồng/kg tùy từng loại.

Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Sông Công, ưu điểm của mô hình nông nghiệp tuần hoàn là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, đặc biệt là giải được bài toán ô nhiễm môi trường. Thành phố đã hỗ trợ người dân xây dựng trên 400 công trình hầm ủ khí sinh học biogas; triển khai thí điểm trên 40 mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và lợn.

Dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn thành phố chưa được nhân rộng, mới chỉ có khoảng 20% lượng chất thải trong chăn nuôi được sử dụng làm khí đốt, ủ phân, thức ăn chăn nuôi...

Nhằm thúc đẩy các mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển, T.P Sông Công tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn để cùng tham gia và phát huy hiệu quả, hướng tới sản xuất nông nghiệp không chất thải, không phế phẩm.