Nông sản lên "sàn"

08:43, 28/12/2021

Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế số. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, TMĐT càng thể hiện rõ nét vai trò trong lưu thông, cung ứng hàng hóa, giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa

Đối với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Xây dựng Đông Bắc, xã Tân Linh (Đại Từ), TMĐT từ một giải pháp “cứu cánh” đã trở thành phương thức giao dịch chủ đạo. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có giai đoạn HTX đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng do các sản phẩm của HTX (giò, chả, xúc xích và rau, củ, quả theo mùa…) gặp khó khăn trong tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX cho hay: Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu mặt hàng trên các sàn TMĐT. Bằng việc lên kế hoạch, tổ chức phân phối một cách bài bản, đồng loạt trên các sàn lớn, như: voso.vn, postmart.vn, lazada, tiki… đã giúp HTX từng bước vượt qua khó khăn. Các sản phẩm của HTX có chứng nhận VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cho nên khi đưa lên sàn TMĐT đã nhận phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Trong “nguy” có “cơ”, việc kết hợp giữa TMĐT và truyền thống giúp HTX duy trì tăng trưởng với mức doanh thu trên 800 triệu đồng/tháng.

Tương tự, với HTX Miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), hình thức phân phối các sản phẩm miến đạt chứng nhận OCOP qua các sàn TMĐT giúp HTX xuất bán trên hàng chục tấn miến mỗi năm. Không chỉ có các HTX, tổ hợp tác hay hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh, như: GO! Thái Nguyên, VinMart, Minh Cầu… cũng nhanh chóng triển khai bán hàng qua sàn TMĐT, giao hàng đến tận nơi cho người tiêu dùng nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt, cũng như hạn chế tụ tập đông người. Có thể nói, với lợi thế của mình, TMĐT đã phát huy tác dụng khi thể hiện là cánh tay nối dài trong chuỗi cung ứng hàng hóa tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hỗ trợ đưa nông sản lên “sàn”

Việc hỗ trợ người nông dân lên sàn, tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT, đặc biệt là trong mùa dịch không chỉ giúp nông dân chủ động giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp mà còn mở ra một hướng đi mới, hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên, với nhiều nông dân, TMĐT vẫn là “sân chơi” khá mới lạ. Vì vậy, thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh doanh cho người dân về TMĐT. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 7/10/2021 nhằm hỗ trợ đưa các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Bưởi Tràng Xá (Võ Nhai) được quảng bá rộng rãi trên các sàn TMĐT.

Để thực hiện kế hoạch này, đồng chí Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đơn vị đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương cùng Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên, Bưu điện tỉnh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Đồng thời tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hộ dân hình thành các “Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT.

Đến nay, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn TMĐT voso.vn  và postmart.vn; trên 1.400 hộ sản xuất, kinh doanh đã được đào tạo, tạo tài khoản bán hàng cho hơn 700 hộ với trên 1.000 sản phẩm đã được đưa lên sàn TMĐT... Thông qua các sàn đã góp phần tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản trong tỉnh. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRCode cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các sàn TMĐT chứng nhận các sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu tham gia giao dịch trên sàn TMĐT phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ SXNN…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 -2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt 70% số hộ SXNN được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; 60% số hộ SXNN được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận; 50% số hộ SXNN có tài khoản/gian hàng trên sàn TMĐT; 50% số hộ SXNN có tài khoản thanh toán điện tử.