Thứ 4, 08/01/2025, 23:37

Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước thời tiết khắc nghiệt

07:27, 18/02/2022

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới sẽ xuất hiện một đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ đầu mùa Đông khiến nền nhiệt giảm sâu, xuống còn 8-10 độ C, vùng núi có nơi từ 6-8 độ C, có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp cùng bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Với quy mô nuôi hơn 10 nghìn con gà mỗi lứa, chị Đoàn Thị Nguyệt, ở xóm 8, xã Phú Xuyên (Đại Từ) luôn chú trọng việc phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Chị Nguyệt chia sẻ: Những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp nên tôi nhốt gà trong chuồng và dùng lưới đen che xung quanh chuồng trại, thắp điện sưởi ấm chứ không thả vườn như mọi khi. Trời rét cộng thêm mưa phùn ẩm khiến gà rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, cúm…, vì thế, nhà tôi đã tiêm phòng đầy đủ cho gà, đồng thời, cung cấp thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi.

Tương tự, đối với các hộ chăn nuôi gia súc, việc đảm bảo chuồng trại đủ kín để tránh gió lùa, mưa hắt cũng được bà con đặc biệt quan tâm. Anh Mai Anh Nguyên, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) thông tin: Khi thời tiết rét đậm, tôi luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ và hạn chế rửa chuồng. Ngoài ra, tôi cũng tăng cường thêm chất đạm trong khẩu phần ăn và bổ sung các loại vitamin, chất điện giải... để lợn tăng sức đề kháng, chống chọi với nguy cơ dịch bệnh tốt hơn.

Đối với các hộ chăn nuôi trâu, bò, người dân cũng đã tiến hành gia cố chuồng trại, dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm hạn chế gió lùa; tăng cường khâu vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan. Tìm hiểu tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, bà con nông dân cơ bản đã cập nhật tình hình thời tiết qua phương tiện thông tin đại chúng về đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa phùn sắp tới để kịp thời có biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Cùng với đó, cán bộ khuyến nông, thú y cũng phối hợp với các xã, thị trấn khuyến cáo người dân dự trữ thức ăn (cỏ khô, rơm rạ, cây ngô...) và tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Đặc biệt, khuyến cáo bà con không chăn thả gia súc ngoài trời và không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

Cùng với bảo vệ đàn vật nuôi, bà con nông dân trong tỉnh cũng chủ động các biện pháp chống rét cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở tổ 14, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) nói: Sắp có đợt rét đậm, rét hại tăng cường nên tôi tranh thủ thu hoạch sớm luống rau cải ngồng. Còn đối với bắp cải và su hào chưa được thu, tôi đã giảm bón phân đạm, bón nhiều phân lân, kali để giúp cho quá trình sinh trưởng của cây được thuận lợi, cây hút được nước và dinh dưỡng, tăng khả năng chống rét. Nhiều hộ xung quanh còn đầu tư nhà lưới, sử dụng màng phủ nylon để chống rét, giữ ấm cho cây trồng; đồng thời, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại… 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện đang là giai đoạn cao điểm bà con tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân để kịp khung thời vụ. Tuy nhiên, trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên cấy hoặc gieo xạ. Đối với diện tích lúa đã xuống giống, nếu xảy ra rét đậm, rét hại, bà con cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm hơn.