Phú Bình “nâng cánh” nông sản thế mạnh

09:02, 30/03/2022

Để sản phẩm OCOP (sản phẩm truyền thống, có lợi thế) của địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thời gian qua, các cơ sở, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Phú Bình đã chủ động tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức. Từ đó “chắp cánh” cho sản phẩm vươn xa, được thị trường đón nhận và ưa chuộng.

Năm 2021, huyện Phú Bình có 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) thì có 6 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, đó là: Cao hươu, thịt hươu sấy (HTX nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng, xã Tân Hòa); Nem bùi Hải Tuyết (cơ sở Nguyễn Đức Hải, xã Thượng Đình); Dầu lạc, dầu đậu nành và dầu mè đen Phát Lộc (HTX Quang Hà, thị trấn Hương Sơn), nâng số sản phẩm được chứng nhận lên 7 (năm 2020, sản phẩm cao ngựa bạch Trường Nguyên, xã Dương Thành, đã được chứng nhận 4 sao).

Ông Tạ Văn Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Là địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, chính vì thế các sản phẩm OCOP do các cơ sở, HTX sản xuất đều là những nông sản chất lượng từ trồng trọt, chăn nuôi. Để sản phẩm được thị trường đón nhận, chúng tôi khuyến khích các cơ sở, HTX bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Trong khâu giới thiệu, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ các cơ sở tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài địa phương…

Nếu như trước đây, HTX cao ngựa bạch Trường Nguyên, ở xóm Phẩm 2, xã Dương Thành, chỉ có 2 sản phẩm chính là cao ngựa bạch đóng gói 100gram/miếng và phổi ngựa bạch ngâm mật ong, tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh thì đầu năm 2021, HTX có thêm sản phẩm cao ngựa bạch dạng viên nén, đóng 30 viên/lọ, thuận tiện cho người sử dụng.

Ông Dương Xuân Trường, Giám đốc HTX chia sẻ: Năm 2020, các sản phẩm từ ngựa bạch của chúng tôi đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi còn thường xuyên giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên Fanpage… Nhờ đó, đến nay HTX có nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và T.P Hồ Chí Minh.

HTX nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, không ngừng giới thiệu và quảng bá sản phẩm dầu ăn từ thực vật nhằm thu hút người tiêu dùng.

Tại HTX nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, chúng tôi thấy có lắp đặt tấm biển nổi bật “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” khiến người đi đường chú ý. Anh Dương Đình Quang, Giám đốc HTX thông tin: Bắt đầu sản xuất từ năm 2018, bên cạnh sản phẩm chính là dầu lạc và dầu đậu nành, chúng tôi đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị, mở rộng vùng nguyên liệu; sản xuất thêm sản phẩm mới là dầu mè đen và dầu gấc, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Song song với hình thức bán hàng tại trụ sở HTX, chúng tôi còn đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm như tăng cường tương tác, bán hàng trên mạng xã hội… Với hình thức bán hàng online, tôi có thể thông tin cho khách hàng biết về sản phẩm mà không mất thời gian mang sản phẩm đến tận nơi để giới thiệu. Khi khách hàng chốt đơn, tôi chỉ việc mang giao nên không mất công đi lại nhiều lần. Năm 2021, HTX bán được trên 30.000 lít dầu ăn các loại, thu lãi khoảng 300 triệu đồng (tăng 20% so với năm 2020)…

Các sản phẩm OCOP đang được khách hàng đánh giá cao, ưu tiên lựa chọn. Đây cũng là lý do khiến các chủ cơ sở, HTX không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu. Do đó, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục tuyên truyền về Chương trình OCOP; hỗ trợ kinh phí giúp các HTX, cơ sở sản xuất thiết kế bao bì, nhãn mác; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ, gian hàng trong và ngoài tỉnh… để nông sản chất lượng của địa phương ngày càng vươn xa ra thị trường.