Thái Nguyên hiện có 738 trang trại và 118 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.
Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho các hộ, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi những kiến thức, mô hình về liên kết chuỗi, chứng nhận VietGAP, an toàn dịch bệnh, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, xác nhận chuỗi sản phẩm an toàn và nhãn mác, bao bì sản phẩm; triển khai thực hiện Đề án xây dựng và quản lý hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng chăn nuôi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này…
Qua đó đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 61 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi; 13 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công với 416 trang trại chăn nuôi (chiếm 56,3% tổng số trang trại trong toàn tỉnh). Thái Nguyên hiện cũng đang duy trì hoạt động 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; xây dựng và duy trì kiểm soát tại 10 cơ sở giết mổ để cung cấp sản phẩm thịt lợn, thịt gà kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, chợ kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã quy hoạch đất cho phát triển chăn nuôi và giết mổ giai đoạn 2021-2030, cụ thể: 1.959ha đất phát triển chăn nuôi tập trung; 2.915ha phát triển chăn nuôi tập trung công nghệ cao và 65ha xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...