Chặn địch hại “phá” vụ xuân

07:26, 14/04/2022

Vụ xuân năm nay, bà con nông dân trong tỉnh gieo trồng được 43.800ha cây trồng các loại (tăng 1,9% so với cùng kỳ), đảm bảo theo đúng lịch khung thời vụ. Tuy nhiên, trong những ngày qua, thời tiết âm u, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh xuất hiện, gây hại trên cây trồng. Do vậy, bà con đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới năng suất.

Đầu tháng 4, qua kiểm tra, thăm đồng, bà Dương Thị Mùi, ở xóm Giữa, xã Xuân Phương (Phú Bình) phát hiện 5 sào lúa xuân của gia đình bị vàng lá, không được xanh tốt. Qua tìm hiểu, bà Mùi được biết, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do cây lúa thiếu dinh dưỡng và nước. Ngoài ra, do cây lúa chuyển đổi giai đoạn sinh trưởng và điều kiện thời tiết thay đổi bất thường nên kém xanh tốt. Được sự khuyến cáo của cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, bà Mùi đã tiến hành bón phân kết hợp làm cỏ sục bùn để lúa dễ hấp thu dinh dưỡng.

Bà Mùi chia sẻ: Sau 1 tuần bón phân, lúa đã xanh trở lại. Tuy nhiên, tôi không chủ quan mà vẫn thường xuyên thăm đồng để phát hiện và kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa và bắt ốc bươu vàng.

Cùng với việc khẩn trương phòng trừ sâu bệnh hại lúa, thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh cũng đang tập trung chăm sóc cây chè. Bởi, thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh như: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, bệnh phồng lá chè… phát sinh, gây hại. Hiện, diện tích chè bị nhiễm sâu bệnh của tỉnh là khoảng 490ha.

Đối với diện tích ngô, sâu cắn lá, sâu xám cũng đã gây hại rải rác, tuy nhiên, mật độ sâu bệnh thấp. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chuyên môn đã cử cán bộ xuống kiểm tra, đồng thời thông báo, hướng dẫn người dân cách phòng trừ. Nhờ đó, các loại sâu bệnh đã cơ bản được phòng trừ. Hiện bà con trong tỉnh đang tiến hành làm cỏ, bón phân, vun gốc ngô.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 28.900ha lúa, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021; gieo trồng được 6.400ha ngô, tăng 4,1% so với cùng kỳ và 4.100ha rau các loại. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, trên diện tích lúa xuân sẽ phát sinh các loại sâu bệnh gây hại như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn… Ngoài ra, trên cây ngô còn có sâu keo mùa thu phát sinh gây hại.

Do vậy, để ngăn chặn và giảm thiểu sâu bệnh bùng phát, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh hại cần dùng các loại thuốc đặc trị phun trừ. Sau khi phun từ 3-5 ngày, bà con nên kiểm tra đồng ruộng, nếu chưa hết sâu bệnh phải tiến hành phun lần 2. Đặc biệt, bà con nên phun thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách). Cùng với đó, bà con kết hợp bón phân cân đối giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Đối với diện tích lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng, bà con cần xác định đúng thời điểm bón phân chuyên dùng phù hợp với từng chân ruộng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, đảm bảo nước tưới cho cây trồng và tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến sinh vật gây hại để kịp thời phòng trừ sâu bệnh...

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Đức Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Chúng tôi đã tăng cường cán bộ bám sát địa bàn để điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại. Qua đó, kịp thời cảnh báo cho người dân sử dụng các loại thuốc đặc trị cũng như quy trình phòng trừ đúng cách. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân.