Ông Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) được nhiều nông dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến: Người “cải vũng nên đồi”. Ông Văn chia sẻ: "Cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng đều do bản thân mình tự tạo ra". Thấy cách ông làm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều nông dân trong vùng cũng học theo.
Đến thăm mô hình sản xuất, chế biến chè của gia đình ông Văn, nhiều người không khỏi trầm trồ, nể phục. Bởi mô hình khá hiện đại, nhưng vẫn hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Từ cổng vào đến sân dài hơn chục mét được ông làm mái vòm che mưa nắng và cho dàn hoa leo. Bàn trà đặt bên góc sân rộng, cạnh đó kê bộ “sập gụ, tủ chè” và nhiều chậu hoa, non bộ, gỗ lũa.
Cách bài trí khiến khuôn viên nhà ông Văn giống một điểm tham quan phục vụ khách du lịch hơn một nông hộ thuần túy. Thấy tôi đứng tần ngần ngó ngắm, ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh xác nhận: Đã có hàng nghìn lượt nông dân, du khách đến tham quan mô hình này. Còn ông Văn cười nói: Bản thân tôi cũng được tổ chức Hội Nông dân cho đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Nhờ đó tôi thấy cái dạ mình “nó” sáng ra.
“Thành công không phụ thuộc vào kiến thức, mà vào cách áp dụng kiến thức”. Ông Văn đã vận dụng phương châm này vào cuộc sống lao động của mình. Tôi nghĩ như thế. Bởi ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế, từng đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Ông Văn chia sẻ: Ngày còn trẻ tôi theo học đại học với suy nghĩ: Có bằng cấp để tìm cơ hội thoát ly, hết cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng sau tốt nghiệp đại học, tôi nhận thấy mình có thể thực hiện giấc mơ làm giàu ở ngay đồng đất quê hương.
Nhìn đồng đất có địa hình phức tạp, đồi dốc bị nước mưa xói mòn độ màu mỡ; ruộng dưới khe con cá còn khó lớn huống hồ cây lúa, ông Văn không khỏi xót xa. Sau nhiều năm lam lũ với cây lúa dưới ruộng, cây chè trên đồi nhưng kinh tế gia đình luôn trong tình cảnh khó khăn, ông trăn trở nghĩ suy, tìm cách làm đột phá trong phát triển sản xuất.
Đưa tầm mắt đến vạt chè xuân mơn mởn đua búp, một thoáng suy tư, ông Văn nhớ lại: Mất 10 năm tôi mới cải tạo xong khu đất của gia đình, gồm hơn 1ha. “Lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm một chút, khi đồi cao được hạ thấp thì ruộng ở khe trũng được nâng lên. Toàn bộ đất sản xuất được ưu tiên trồng chè, trong đó có 10 sào ruộng trũng cấy 1 vụ lúa không ăn chắc cũng trở thành đất chè. Để cây chè phát triển tốt, quá trình san đồi, lấp ruộng, tôi cho đất củ xuống trước, trả lại lượt đất màu lên trên, đồng thời hợp đồng với một số trang trại chăn nuôi mua phân chuồng về ủ mục, mang trải đều xuống lõng đất rồi mới đặt hom chè, lấp lại. Nhờ cách làm như vậy, cây chè phát triển rất tốt.
So với cách sử dụng đất trồng chè, cấy lúa trước đây, giá trị kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều lần. Riêng đám đất ruộng sau chuyển đổi, giá trị kinh tế mang lại cao hơn 30 lần trên cùng diện tích. Ví như 1 sào đất cấy lúa thu được 1,5 triệu đồng/năm, thì nay cây chè cho thu 35 triệu đồng/năm.
Có mặt trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng xóm cho biết: Thấy ông Văn san đồi, lấp ruộng lấy đất trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao, hầu hết các hộ trong xóm “bắt chước” thuê máy về làm. Rầm rộ nhất là trong năm 2010, kết quả có hơn 10ha ruộng cấy lúa 1 vụ cho năng suất bấp bênh được cải tạo thành đất trồng chè. Nhờ cách làm này, đời sống của người dân được cải thiện. Hiện 40/105 hộ ở xóm có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Văn vẫn là hộ dẫn đầu về thu nhập ở xóm, với hơn 600 triệu đồng/năm.
Ông Văn là một trong những người đi đầu phong trào nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ năm 2014, toàn bộ hơn 1ha đất sản xuất của gia đình được ông phủ kín bằng chè cành giống mới, gồm 3 loại: Kim Tiên, Bát Tiên và Phúc Vân Tiên. Đến năm 2016, ông đầu tư làm nhà màng kính cho hơn 2.000m2 đất chè, đồng thời đầu tư làm giàn tưới tự hành để sản xuất thêm vụ chè đông.
Nhiều người thấy lạ, hỏi: Đầu tư nhiều như vậy thì bao giờ mới thu lại được vốn gốc. Ông bảo: Nhờ có nhà màng kính nên cây chè không phải chịu tác động xấu bởi thời tiết. Theo đó là chất lượng chè cao hơn, giá bán cũng cao hơn 100.000 đồng/kg so với chè thu hái ở diện tích không có nhà màng kính. Còn hệ thống tưới chè đầu tư hết 150 triệu đồng, bù lại cây chè cho thu hái từ 7 lứa lên 9 lứa/năm, sản lượng chè búp khô từ 4 tấn tăng lên 5 tấn/năm.
Do đầu tư chăm sóc, thu hái, chế biến tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, đồng thời hướng đến sản phẩm chất lượng cao, nên chè của gia đình ông được tư thương trả giá cao hơn từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg so với các hộ trồng chè trong vùng…