Hiện nay, cây lúa trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái - làm đòng – trỗ bông; cây chè kinh doanh đang trong giai đoạn phát triển – thu hái búp; cây na ở giai đoạn phát triển nụ - hoa; cây nhãn, vải đang phát triển quả non; cây bưởi trong giai đoạn phát triển quả.
Kết quả điều tra đồng ruộng mới đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, hiện nay, bệnh đạo ôn trên cây lúa đã xuất hiện và gây hại trên lá, tỷ lệ hại trung bình 0,5-2%; nơi cao 4,2-5,5% lá bị bệnh. Bệnh khô vằn tỷ lệ hại trung bình 3-5%; nơi cao 10-20%, cục bộ trên 30% (tại huyện Đồng Hỷ, TP. Phổ Yên…) dảnh lúa bị hại.
Ngoài ra, bọ xít hại nhãn vải cũng đã xuất hiện với mật độ trung bình 0,1-0,25 con/cành, nơi cao 0,5-1 con/cành; cục bộ 2-4 con/cành tại các huyện Phú Bình, Võ Nhai, Đồng Hỷ… Bệnh sương mai có tỷ lệ bệnh trung bình 2,5-5%, nơi cao 12,5% cành bị hại.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào kèm dông, độ ẩm cao thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại tăng nhanh. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các biện pháp phòng trừ như sau:
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ giá: Bà con tiến hành phun phòng đối với những ruộng gieo cấy giống lúa nhiễm (TBR225, BC15, nếp, J02...) và những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá bằng thuốc hóa học đặc hiệu có đăng ký trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam như: Fuji-One 40EC, 40WP; Katana 20SC; Lúa vàng 20WP; Kasai-S 92SC; Fuan 40EC; Amistar Top® 325SC;...
- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc do vi khuẩn: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm ổ bệnh, chú ý sau mỗi trận mưa rào kèm theo giông lớn, phun thuốc khi bệnh xuất hiện kết hợp với các biện pháp canh tác khác (như: Dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng). Đồng thời sử dụng thuốc đặc hiệu có đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như: Xantocin 40WP, Totan 200WP, Stifano 5.5 SL, PN-balacide 32WP...
- Đối với bệnh khô vằn: Áp dụng tổng hợp các biện pháp chăm sóc cho cây lúa khỏe, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện ổ bệnh; sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ như: Validacin 5SL; Tilt Super® 300EC; Saizole 5SC; Anvil® 5SC...
- Đối với bọ xít nâu hại nhãn, vải: Áp dụng biện pháp thủ công bắt bọ xít vào sáng sớm hoặc chiều tối lúc còn ướt sương, nhiệt độ thấp, dùng vợt cán dài hứng phía dưới cành có bọ xít, rung nhẹ bọ xít rơi vào vợt để bắt diệt. Bên cạnh đó, bà con kiểm tra vườn nhãn, vải nếu mật độ bọ xít non từ 5 con/cành sử dụng thuốc trừ bọ xít nâu hại cây nhãn, vải có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun trừ như: Aremec 45EC; TC-Năm Sao 20EC; Dibamec 3.6EC, 5WG; Plutel 5EC; Reasgant 3.6EC, 5WG;...
- Đối với bệnh sương mai, thán thư hại nhãn, vải: Thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 53/CCTT&BVTV-BVTV, ngày 25/01/2022 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, chuột ... hại lúa; rầy xanh, bọ cánh tơ hại chè; rệp, bố trĩ ...gây hại trên cây na để chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại, dự tính dự báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa đặc biệt chú ý các đối tượng: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá... trên trà lúa xuân muộn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông ... trên trà lúa xuân trung.