Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của huyện vùng cao Võ Nhai, bà con nông dân đang tập trung làm cỏ, bón thúc cho lúa xuân. Phòng chức năng và các xã, thị trấn của huyện cũng đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện biện pháp phòng trừ đối với một số loại sâu bệnh xuất hiện rải rác trên địa bàn.
Xã Tràng Xá có diện tích lúa xuân lớn nhất huyện Võ Nhai. Năm nay, bà con trong xã cấy 210ha lúa xuân, cơ cấu gồm các giống lúa cho năng suất cao như: Khang dân 18, BTE1, J02, ADI28… Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, cho biết: Xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên cùng bà con kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn trực tiếp cho người dân kỹ thuật chăm sóc và sử dụng lượng phân bón hợp lý, khuyến cáo biện pháp phòng trừ sâu bệnh, ốc phá hoại lúa. Trong điều kiện thời tiết nắng ẩm, chúng tôi khuyến cáo bà con theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, những cánh đồng lúa ở xã đang bước qua giai đoạn đẻ nhánh chuẩn bị làm đòng, nguồn nước phục vụ sản xuất lúa năm nay dồi dào và thuận lợi nên lúa phát triển tốt.
Ông Hoàng Việt Tiến, Trưởng xóm Đồng Danh, xã Tràng Xá, chia sẻ: Năm nay, toàn xóm có khoảng 12ha lúa vụ xuân. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chúng tôi chủ động phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá, khô vằn từ khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Hiện, lúa chuẩn bị làm đòng, bà con đang tận dụng thời tiết thuận lợi để xuống đồng làm cỏ, bón thúc cho lúa, đồng thời phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá, khô vằn lần hai.
Vụ xuân năm 2022, với diện tích gieo cấy gần 1,7 nghìn ha lúa các loại, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu năng suất bình quân đạt khoảng 5,4 tấn/ha, sản lượng đạt gần 9 nghìn tấn. Ngay từ đầu vụ, công tác chỉ đạo gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ lúa được huyện triển khai quyết liệt. Đến nay, cơ bản diện tích lúa xuân trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện bà con nông dân Võ Nhai đang chăm sóc, theo dõi và phòng trừ một số loại sâu bệnh hại như: Đạo ôn lá, khô vằn, rầy gây hại trên các loại lúa…
Để chủ động làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai đã tăng cường điều tra dự tính, dự báo định kỳ sâu bệnh hại lúa và kịp thời gửi các thông báo về thực hiện phòng trừ sâu bệnh đến bà con nông dân. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa cho nông dân; phát tờ rơi về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm phát triển của cây lúa…
Theo điều tra của Trung tâm, hiện nay, đã xuất hiện rải rác bệnh đạo ôn lá và bệnh khô vằn trên một số diện tích lúa của các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, Nghinh Tường… Cụ thể, bệnh đạo ôn lá tỷ lệ hại trung bình chiếm khoảng 0,5-1% diện tích, nơi cao từ 3-5% diện tích, cục bộ có điểm xuất hiện bệnh trên 10% diện tích. Với bệnh khô vằn, tỷ lệ hại trung bình từ 3-5% diện tích, nơi cao từ 10-15% và cục bộ có điểm lên đến 20% lúa bị hại.
Bà Nông Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai, thông tin: Bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào, độ ẩm cao thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại lúa. Để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn lá và bệnh khô vằn gây ra, Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con một số biện pháp phòng trừ bệnh đối với 2 loại bệnh trên.
Theo đó, đối với bệnh đạo ôn lá, Trung tâm khuyến cáo bà con bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali kết hợp làm cỏ, súc bùn giữ nước hợp lý, đảm bảo cây lúa sinh trưởng tốt để phòng bệnh. Với các diện tích đã nhiễm bệnh, bà con thực hiện dừng bón phân đạm, không phun kích thích sinh trưởng và phân bón lá, giữ đủ nước trong ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu. Những ruộng bị nặng cần phun kép hai lần, cách nhau từ 5-7 ngày. Đối với bệnh khô vằn, bệnh gây hại từ khi lúa đứng cái, làm đòng, trỗ. Nếu kiểm tra thấy 5-7% số dảnh bị bệnh trở lên cần sử dụng một trong các loại thuốc để phun như: Validacin 5SL, Tilt super 300EC, Anvil 5EC…
Đối với những diện tích lúa còn lại, Trung tâm khuyến cáo bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh gây hại đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp...