Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân. Nắng nóng còn tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con. Trước tình hình đó, các hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Thời điểm dưa hấu của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch Tràng Xá (Võ Nhai) chín rộ, cho thu hoạch rơi đúng vào đợt nắng nóng kéo dài. Do vậy, những ngày vừa qua, các thành viên HTX đã thu hoạch dưa vào thời điểm từ 16 đến 20 giờ.
Chị Nguyễn Thị Sen, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau, củ, quả của HTX, chia sẻ: Điều này vừa đảm bảo dưa xuất bán được tươi ngon cũng như bảo vệ sức khỏe cho các thành viên. Sau khi thu hoạch xong 5 mẫu dưa, bà con nông dân cũng tranh thủ khoảng thời gian nắng ít vào sáng sớm và chiều muộn để vệ sinh đồng ruộng, cày ải đất và chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa.
Đợt nắng nóng này diễn ra đúng vào khung thời vụ thu hoạch lúa xuân và gieo cấy lúa mùa nên bà con nông dân phải tranh thủ thời tiết mát mẻ vào sáng sớm và chiều muộn để xuống đồng… Chị Hoàng Thị Phương, ở tổ dân phố Thần Vì, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), cho biết: Gần 1 tuần nay, ngày nào tôi cũng dậy sớm kiểm tra đồng ruộng, kịp thời bổ sung nước cho 3 sào lúa mới cấy. Bởi thời tiết nắng nóng mà để thiếu nước thì lúa rất dễ chết.
Không riêng cây trồng, nắng nóng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đàn vật nuôi. Ở một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín, những ngày nhiệt độ tăng cao, các chủ trang trại đã tăng công suất quạt, bơm nước làm mát mái để hạ nhiệt độ hoặc tắm cho đàn gia súc.
Còn với chăn nuôi thủy sản, theo anh Bùi Xuân Trường, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn (TP. Sông Công): Chúng tôi đang vận hành hết công suất các máy sục khí trong những khung giờ từ trưa đến tối nhằm giảm nhiệt độ, tránh cho vật nuôi bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng. Cùng với đó, chúng tôi cho cá ăn lúc thời điểm trời mát, nhiệt độ giảm như sáng sớm và chiều muộn, không cho dư thừa để tránh thức ăn bị phân huỷ gây ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thủy lợi, trạm bơm điều tiết, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các chi cục trực thuộc phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, phân công cán bộ hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiệt hại.
Cụ thể như: Khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần hạn chế chăn thả gia súc, nâng cao dinh dưỡng, bổ sung vitamin, đủ nước cho vật nuôi; làm mát, thông thoáng chuồng trại; chú trọng tiêm vắc-xin phòng các bệnh mùa hè cho vật nuôi, phun trừ các loại ký sinh truyền bệnh như ve, mòng, muỗi, bọ mạt; các hộ nuôi thủy sản cần bổ sung nước và duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,5-2m trở lên, tăng thời gian sử dụng quạt đảo tạo ôxy.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần rà soát, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh phát sinh, có biện pháp cách ly, khoanh vùng hoặc tiêu hủy triệt để gia súc, gia cầm nếu bị ốm, chết do bệnh truyền nhiễm nhằm tránh lây lan… Đối với cây trồng, bà con nông dân cần bổ sung nước, sử dụng các biện pháp che chắn hợp lý để giảm tác động của nắng nóng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tình hình thời tiết cực đoan nắng nóng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn, nền nhiệt cao nhất trong ngày từ 34-37 độ C, độ ẩm 55-65%... Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra, ngành chức năng và địa phương, nhất là các hộ chăn nuôi, trồng trọt đang tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.