Vì làng quê xanh - sạch - đẹp

03:58, 20/06/2022

Trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống của người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, các địa phương trong tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê.

Đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy tại các làng quê xuất hiện ngày càng nhiều những tuyến đường hoa, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. 

Đơn cử như tại xã Tân Đức (Phú Bình), những con đường bê tông sạch sẽ được tô điểm hai bên bằng hàng cây cau, chuỗi ngọc, bàng Đài Loan, chiều tím… khiến môi trường nông thôn trở nên trong lành, mát mẻ hơn. Anh Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, chúng tôi thường xuyên huy động cán bộ, đảng viên cùng nhân dân tham gia vệ sinh đường làng, trồng cây xanh, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, nhiều mô hình, tuyến đường hoa nổi bật do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân đảm nhận chăm sóc và duy trì hiệu quả, tạo nên bức tranh tươi mới đầy sức sống, nhất là ở các xóm Tân Ngọc, Ngọc Lý, Viên, Diễn Cầu…

Không chỉ riêng ở Tân Đức, từ năm 2016 đến 2021, toàn huyện Phú Bình đã trồng mới trên 157 con đường hoa, tổ chức vệ sinh trên 24.000 buổi tại các con đường do phụ nữ tự quản, thu gom trên 20.000m3 rác thải; xây mới trên 7.670 nơi xử lý rác thải tại hộ gia đình; 1.340 nơi xử lý rác thải trên đồng ruộng. Từ đó góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong XDNTM.

Người dân xã Tân Đức (Phú Bình) tham gia mô hình nhà sạch - vườn đẹp, trong khu sản xuất có biển tên khu vực trồng cây ăn quả, khu trồng rau xanh...

Tại huyện Đại Từ, trên những cánh đồng, nương chè không còn tình trạng vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan như trước đây mà đã được bà con nông dân thu gom tại 1 điểm; rác thải sinh hoạt cũng được tập kết để vận chuyển đi xử lý theo quy định. Ông Phùng Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông thông tin: Để giữ gìn vệ sinh môi trường, chúng tôi triển khai tổng vệ sinh trên địa bàn xã vào ngày 25 hằng tháng. Qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo bà con sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; rác thải như vỏ chai, bao bì và các loại rác khác được các hộ tập kết đúng nơi quy định.

Còn tại huyện Đồng Hỷ, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai mô hình 3 có: “Có túi đựng rác tiết kiệm, có túi đựng rác nilon, có hố rác gia đình”, mô hình “5 không, 3 sạch” và tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới và duy trì 57 mô hình tuyến đường hoa với tổng chiều dài trên 25km. Với nhiều hoạt động thiết thực, các hội viên đã góp phần ngăn chặn những hành vi gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường đã được gây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp”, “hoa trước sân nhà”; “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phân loại xử lý rác tại nguồn; Ngày Chủ nhật xanh... Đây chính là những cách làm sáng tạo của các địa phương để thực hiện tiêu chí môi trường. 

Cùng với đó, các ngành chức năng cũng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tập quán, thói quen của người dân. Khuyến cáo bà con sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần phân bón vô cơ, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, bảo đảm cân bằng sinh thái và sản xuất bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Với sự chung tay của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực của người dân, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương. Nhiều gia trại cũng đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi. 

Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường, các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân lắp đặt điện chiếu sáng trên đường làng, ngõ xóm, tại khu dân cư để góp phần bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi rõ rệt.

Có thể khẳng định, việc xây dựng, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp đã mang đến nhiều đổi thay cho vùng nông thôn; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, từ đó giúp người dân có thêm động lực tích cực tham gia XDNTM. 

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM của tỉnh, môi trường - cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nông thôn và thực hiện nếp sống văn minh.