Từ tháng 6 trở lại đây, thời tiết liên tục xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 đến 38 độ C, khiến đàn vật nuôi giảm khả năng hấp thụ thức ăn, sức đề kháng kém và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trước tình hình trên, ngành chức năng cùng với bà con nông dân đã chủ động các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Những ngày trời nắng nóng, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình), sử dụng hệ thống phun nước trên mái chuồng nuôi để giúp hạ nhiệt cho đàn gà. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tuyên chia sẻ: Sau nhiều năm chăn nuôi, tôi nhận thấy, đàn gà chịu nóng kém, nếu nhiệt độ từ 38-39 độ C, chúng sẽ ăn ít đi, sức đề kháng cũng giảm sút. Vì vậy, ngoài việc phun nước làm mát trên mái chuồng, chúng tôi còn bổ sung quạt thông gió và cung cấp đủ thức ăn, bổ sung chất điện giải, các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Cùng với đó, các thành viên Hợp tác xã cthường xuyên cải tạo đệm lót sinh học để tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ, thông thoáng.
Tương tự, đối với các hộ chăn nuôi gia súc, việc “giải nhiệt” cho đàn vật nuôi cũng được người dân chú trọng trong mùa Hè năm nay. Anh Trần Trọng Tấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại La Hiên, xã La Hiên (Võ Nhai), cho hay: Để bảo vệ đàn bò 3B trên 50 con, chúng tôi chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn, cung cấp thêm nước uống, thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ và tắm 1 - 2 lần/ngày cho bò để giảm nhiệt độ cơ thể vật nuôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc và định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống những mầm bệnh truyền nhiễm.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng đàn gia súc của toàn tỉnh hiện có 644,3 nghìn con, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021; tổng đàn gia cầm ước đạt 14,8 triệu con, giảm 4,4%. Hiện nay, các biện pháp chống nóng, bảo vệ đàn vật nuôi đã và đang được các hộ chú trọng triển khai, như: Tiến hành nâng cấp, che chắn chuồng trại, lắp thêm quạt gió. Thêm vào đó, bà con cũng giảm mật độ vật nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm; tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi…
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, cho biết: Những đợt nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm không khí thấp có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn vật nuôi, khiến nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh cao. Vì vậy, để chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với ngành Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã có văn bản đề nghị các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Theo đó, bà con cần vệ sinh chuồng trại, thường xuyên thu gom, vận chuyển phân và các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi; giảm mật độ, giãn thời gian các lứa nuôi; tăng cường che chắn làm mát và đảm bảo độ thông thoáng tại chuồng nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đủ chất và lượng. Đồng thời, thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Đặc biệt, các địa phương cũng cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các ổ dịch cũ, những khu vực có nguy cơ phát dịch cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, tai xanh ở lợn; lở mồm long móng, viêm da nối cục ở trâu, bò; bệnh cúm trên đàn gia cầm…