Hiện nay, lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, lúa mùa trung giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, lúa mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới, thời tiết mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh trên cây lúa (sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân…) gây bông bạc trên trà lúa mùa sớm, ung đòng trên lúa mùa trung và dảnh héo trên lúa mùa muộn. Bên cạnh đó là các bệnh khô vằn, lùn sọc đen, vàng lụi, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu, rầy lưng trắng...
Để hạn chế thiệt hại do các loại sâu bệnh hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, thăm đồng nhằm phát hiện, kịp thời hướng dẫn người dân xử lý dịch hại, không để ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Bà con nông dân được khuyến cáo cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, bà con cần xác định thời điểm sâu non nở, đặc biệt trên trà lúa mùa sớm giai đoạn đứng cái, làm đòng, phun thuốc trừ sâu nếu mật độ sâu non từ 20 con/m2 trở lên; 50 con/m2 trở lên với lúa đang đẻ nhánh. Với những ruộng có mật độ sâu cao trên 100 con/m2 phải phun kép 2 lần cách nhau từ 4 - 5 ngày. Một số thuốc trừ sâu cuốn lá hại lúa được đăng ký trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như: MatchÒ 050 EC;Aremec 45EC, Patox 95SP;Clever 150SC, 300WG, Karate® 2.5 EC...
Đối với sâu đục thân, bà con cần theo dõi diễn biến của trưởng thành, mật độ ổ trứng và thời điểm sâu non nở đặc biệt trên những ruộng đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ. Sử dụng một trong số những loại thuốc Aremec 45EC; Shepatin 90EC; Goldmectin 36EC; Vinetox 18SL, 95SP; Neretox 18 SL, 95WP,.… phun cho những ruộng lúa có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 , thời điểm phun khi sâu non mới nở, những ruộng có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2 cần tiến hành phun kép 2 lần cách nhau từ 4-5 ngày. Khi phun cần đảm bảo các nguyên tắc đúng nồng độ, liều lượng, đúng hướng dẫn...
* Tại TP. Phổ Yên, thời điểm này, trên diện tích lúa mùa sớm đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: Sâu đục thân, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá và chuột gây hại.
Để bảo toàn năng suất mùa vụ, địa phương yêu cầu các cơ quan chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết các loại sâu bệnh hại và kỹ thuật phòng trừ. Đồng thời, Chi nhánh vật tư nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ thuốc đặc hiệu để phục vụ bà con nông dân phòng trừ. Thành phố cũng yêu cầu các xã, phường vận động bà con chủ động kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh và phun trừ kịp thời theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.