Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhiều hộ dân ở xã Phú Đô bắt đầu sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây chè. |
Trước đây, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong chăm sóc cây chè được chị Trần Thị Bình, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia lớp sơ cấp nghề trồng, chế biến chè và tập huấn khoa học kỹ thuật, chị chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học để sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Chị Trần Thị Bình cho biết: Hiện nay, tôi đang ngâm tỏi, ớt với rượu để làm thuốc trừ sâu bệnh hại. Thay vì sử dụng phân bón hóa học, tôi ủ đậu tương, phân động vật, rác thải rau, củ quả để làm phân hữu cơ. Để trừ cỏ, tôi cắt bằng máy thay vì phun thuốc như trước. Nhờ thay đổi kỹ thuật chăm sóc, chè sinh trưởng tốt, chất lượng và giá trị sản phẩm cao hơn. Hiện, gia đình tôi có 1,5ha chè. Trung bình mỗi lứa thu được trên 4 tạ chè búp khô. Nếu như trước đây, tôi chỉ bán chè móc câu với giá khoảng 100 nghìn đồng/kg thì nay giá bán đạt từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/kg.
Bên cạnh trồng trọt, trong chăn nuôi, nhiều hộ dân cũng đã chủ động sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót sinh học, xử lý chất thải… Ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh, chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi 4.000 con gà. Trước đây, tôi chỉ rải trấu trên nền chuồng trại. Mỗi khi không khí có độ ẩm cao thì chuồng gà hay có mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường sống và gà dễ bị bệnh. Để khắc phục điều này, qua kiến thức học được từ các lớp tập huấn, tôi sử dụng chế phẩm sinh học trộn với trấu để làm đệm lót sinh học. Trung bình mỗi lứa gà, tôi rắc 2-3 lần chế phẩm lên trấu…
Có thể thấy, hiện nay, việc áp dụng các chế phẩm sinh học đã và đang được các hộ nông dân trên địa bàn huyện từng bước sử dụng rộng rãi. Để khuyến khích và nhân rộng việc sử dụng chế phẩm sinh học, huyện tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện tổ chức được 202 lớp tập huấn, thu hút khoảng 8.000 lượt người tham dự.
Cùng với công tác tập huấn, huyện cũng chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn triển khai hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản triển khai 281,4ha chè VietGAP; hỗ trợ sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc với quy mô 35ha; tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ năm thứ 3 tại xóm Tân Thái, xã Tức Tranh với quy mô 20ha; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho trên 10,2ha cây ăn quả; hỗ trợ thực hiện mô hình lúa hữu cơ tại xã Động Đạt với quy mô 16ha; triển khai 6 mô hình VietGAP trong chăn nuôi…
Đến nay, toàn huyện có 165 cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh (tăng 56 cơ sở so với năm 2020). Trong trồng trọt, chế phẩm sinh học thường được sử dụng trong trồng chè, cây ăn quả và cây lúa. Hiện diện tích trồng chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt 2.906ha, chiếm 69,3% tổng diện tích (tăng trên 480ha so với năm 2020); 15,9ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; nhiều diện tích lúa được sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý gốc rơm rạ thay vì đốt…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng đúng cách các chế phẩm sinh học hoặc vật tư nông nghiệp có nguồn gốc sinh học; tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin