Tăng cường phòng, trừ sâu bệnh gây hại cuối vụ

12:11, 15/09/2022

Vụ mùa năm nay, các địa phương trong tỉnh gieo cấy được 38,9 nghìn héc-ta lúa, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đang ở giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi, lúa mùa trung đang trỗ bông - chín sữa, lúa mùa muộn đang đứng cái.

Người dân xã Cù Vân (Đại Từ) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa.
Người dân xã Cù Vân (Đại Từ) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

Theo kết quả điều tra trên đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, một số loại sâu bệnh đã xuất hiện và gây hại trên các trà lúa mùa.

Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ trung bình từ 1-5 con/m2, nơi cao từ 8-12 con/m2, cục bộ 20 con/m2, tuổi 3,4; sâu đục thân có mật độ trung bình từ 2-4 con/m2, nơi cao 8 con/m2, tuổi 4,5; rầy các loại có mật độ trung bình từ 300-500 con/m2, nơi cao từ 700-1.000 con/m2, cục bộ trên 1.500 con/m2, tuổi non - trưởng thành.

Ngoài ra, trên lúa mùa cũng xuất hiện một số loại bệnh như: Bệnh đốm sọc vi khuẩn với tỷ lệ bệnh trung bình 3,5-6,3%, nơi cao 10-13%, cục bộ 21% (huyện Phú Bình); bệnh khô vằn có tỷ lệ hại trung bình 5-10%, nơi cao 20%, cục bộ trên 30% dảnh bị hại (các huyện Phú Bình, Đại Từ…).

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau: Clever 150SC; Radiant®60SC; MatchÒ 050 EC; Gà nòi 95SP... để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Đối với sâu đục thân, bà con sử dụng các loại thuốc như: Aremec 45EC; Vinetox 18SL, 95SP; Neretox 18 SL, 95WP; Goldmectin 36EC… Còn đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bà con dùng các loại thuốc như: Sat 4 SL; Totan 200WP, Stifano 5.5SL; Xantocin 40WP, Sansai 200 WP... để phun trừ.

Ngoài ra, Chi cục cũng lưu ý, bà con cần tuân thủ đúng nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc; khi lúa đang trỗ chỉ được phun thuốc vào buổi chiều mát.