Thái Nguyên chủ động chiếm lĩnh thị trường giống cây trồng thế mạnh

Công Minh 10:42, 04/08/2024

Chủ động nguồn giống cây trồng nội tỉnh, chiếm lĩnh thị trường một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đối với cây trồng thế mạnh... Đó là kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng giống cây trồng của tỉnh Thái Nguyên những năm qua. Nguồn giống cây nội tỉnh chất lượng cao, phong phú chủng loại, giá cả phải chăng cũng góp phần giảm tình trạng người dân mua trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc bị lừa đảo do mua trên mạng.

Cán bộ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả.
Cán bộ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Chủ động nguồn giống

Thái Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 283 nghìn héc-ta, trồng chủ yếu lúa, ngô, rau màu, chè, cây ăn quả… Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các loại cây trồng này đều được chủ động, quản lý chặt chẽ nguồn giống. Trong đó, chè là cây trồng thế mạnh, chủ lực.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè, nhiều năm qua Thái Nguyên đã hỗ trợ giống, khuyến khích người dân trồng chè giống mới cho năng suất, chất lượng, giá trị cao. Từ những năm 2005, tỉnh đã ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chè giống. Các cơ quan chức năng phối hợp với nhà khoa học thực hiện khảo nghiệm, lựa chọn, kiểm định, chứng nhận cây chè đầu dòng theo quy định của Nhà nước, từ đó nhân giống, ươm trồng tại các vườn ươm trên địa bàn tỉnh.

Cũng vì vậy, các cơ sở, hộ sản xuất giống chè phát triển mạnh, đến nay toàn tỉnh có hàng trăm vườn ươm chè giống. Nếu như cách đây 20 năm, người dân trong tỉnh phải sử dụng chè giống nhập từ tỉnh khác, thì hơn chục năm nay, Thái Nguyên đã chủ động nguồn giống, chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và xuất bán đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Chè giống của tỉnh Thái Nguyên được xuất bán đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong ảnh: Vườn ươm chè giống của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Anh xã Yên Lạc (Phú Lương).
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm vườn ươm chè giống. Trong ảnh: Vườn ươm chè giống của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Anh xã Yên Lạc (Phú Lương).

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Ngọc Anh (xã Yên Lạc, Phú Lương) là một trong những cơ sở sản xuất giống cây trồng chiếm thị phần lớn trên địa bàn tỉnh. Hiện mỗi năm, HTX xuất bán trên 20 triệu cây chè giống, gần 10 triệu cây giống nông, lâm nghiệp khác, đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Anh Nghiêm Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Anh xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, cho biết: Hiện nay, HTX có 22 thành viên, trong đó có 18 thành viên sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp. Những năm qua, HTX đã phát huy thế mạnh về kỹ thuật, chủ động hoàn thiện hồ sơ năng lực, trực tiếp đấu thầu trên mạng và trúng nhiều gói thầu lớn, cung cấp giống cây trồng, chủ yếu là giống chè, đến các tỉnh, thành trên cả nước.

Với các loại giống cây trồng khác, tỉnh Thái Nguyên cũng chủ động được nguồn giống chất lượng. Về cây lúa, ngô, rau màu, nguồn giống do các đơn vị trong nước sản xuất chiếm 70-80%, 20-30% còn lại nhập khẩu của nước ngoài. Các giống lúa lai cao cấp thường nhập khẩu từ các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

 

Đối với cây ăn quả, Thái Nguyên gần như sử dụng 100% giống trong nước, chủ yếu từ Viện nghiên cứu rau quả, Viện cây ăn quả Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc… Thái Nguyên cũng có nhiều loại cây ăn quả chất lượng được chọn làm cây đầu dòng để nhân giống như hồng Việt Cường, na La Hiên… Cây giống hồng Việt Cường, na La Hiên không chỉ được trồng rộng rãi trong tỉnh, mà bước đầu đã xuất sang một số tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Một phần nhờ sử dụng giống cây trồng chất lượng và áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, năng suất, giá trị cây trồng trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của Thái Nguyên bình quân đạt 128,7 triệu đồng/ha, vượt 3% so với kế hoạch, đứng tốp đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Siết chặt quản lý, tăng cường tuyên truyền

Theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa tỉnh Thái Nguyên hiện có 406 vườn ươm, cơ sở, đại lý, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp. Nhằm quản lý chất lượng nguồn cây giống, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất tại các cơ sở cung ứng giống.

Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các cơ sở đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng giống cây trồng, như: có địa điểm sản xuất, kinh doanh; giấy phép đăng ký kinh doanh; hồ sơ truy xuất nguồn gốc lô giống, nhãn mác rõ ràng... Một vài cơ sở còn thiếu sót trong gắn nhãn mác đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, kịp thời khắc phục.

 

Không chỉ siết chặt quản lý, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh còn tăng cường tuyên truyền giúp người dân lựa chọn các giống cây trồng chất lượng, năng suất cao. Các hoạt động giới thiệu, chương trình tập huấn giống cây trồng thường xuyên được tổ chức tại cơ sở. Đội ngũ cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cơ sở cũng thường xuyên tư vấn, giới thiệu, khuyến cáo để người dân lựa chọn được các loại giống tốt của đơn vị uy tín, tránh giống giả, giống kém chất lượng.

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cho biết: Chính quyền, đội ngũ cán bộ nông nghiệp các cấp, đặc biệt là cấp xã luôn thường xuyên gần dân, tư vấn, khuyến cáo về lựa chọn giống, kỹ thuật trồng trọt. Từ đó, người dân trên địa bàn xã đã đưa vào trồng cấy nhiều giống lúa lai, chè cành cho năng suất, chất lượng cao.

Loại bỏ giống cây trồng trôi nổi

Cũng như những mặt hàng khác, một trong những vấn đề nhức nhối về cung ứng cây giống là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tình trạng này đã giảm mạnh so với những năm trước đây. Hiện tượng người dân phản ánh đến cơ quan chức năng vì mua phải giống giả, kém chất lượng gần như không còn.

Cán bộ Trạm Chuyển giao kỹ thuật và Dịch vụ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) tư vấn giúp người dân chọn giống cây trồng.
Cán bộ Trạm Chuyển giao kỹ thuật và Dịch vụ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) tư vấn giúp người dân chọn giống cây trồng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số người dân mua giống cây được quảng cáo, bán trên mạng xã hội và chịu thiệt hại do mua phải giống giả. Trường hợp của chị Trương Thị Vinh, xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) là một ví dụ. Thấy quảng cáo trên mạng facebook VST899 là giống lúa nhập khẩu “siêu” năng suất, “siêu”chất lượng, chị Vinh đã mua về gieo cấy, nhưng đến ngày thu hoạch, lúa không có đòng, chị phải cắt cho bò ăn.

Anh Hà Mạnh Cường, xóm Bình 1, xã Điềm Thụy (Phú Bình), cho biết: Trước đây, tôi đã phải phá bỏ cây trồng vì mua phải giống cây kém chất lượng trôi nổi trên mạng. Vì thế những năm gần gây, tôi chỉ mua cây giống ở các trung tâm, cửa hàng, đại lý cây giống có uy tín.

Ngoài ra, tình trạng xe máy chở cây giống đi bán dong, bán rạo trên đường, tình trạng cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tại các chợ phiên, chợ vùng cao, vùng sâu, vùng sa vẫn còn. Đơn cử như có trường hợp chúng tôi gặp phải tại chợ cóc dưới gốc đa thuộc xã Phúc Lương (Đại Từ). Trong vai người mua hàng, chúng tôi được người này cam kết giống cây chất lượng, thu quả từ năm thứ ba, sai trái, năng suất cao. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, người bán hàng đều không có. Cây ăn quả phải trồng nhiều năm mới ra trái, nên những trường hợp mua phải giống cây trôi nổi như vậy mang đến rủi ro rất lớn cho người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Nguyễn Tá, khuyến cáo: Bà con hãy là người tiêu dùng thông thái, cảnh giác khi mua cây giống trên mạng, tuyệt đối không mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bà con nên tìm đến các cửa hàng, cơ sở uy tín để mua hàng như: Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của huyện; chi nhánh vật tư nông nghiệp huyện, các đại lý lớn. Trong trường hợp gặp phải vấn đề không mong muốn về cây giống, bà con thông báo ngay cho cán bộ nông nghiệp cơ sở, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện… để kịp thời xử lý.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, đưa ra lời khuyên: Bà con kiểm tra giống cây trồng nên chú ý mẫu mã, bao bì, dấu quy chuẩn của các công ty, đơn vị sản xuất, phân phối giống uy tín. Ngoài ra, hiện nay nhiều loại giống cây trồng có mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc. Bà con cần tìm hiểu kỹ nơi sản xuất để mua được giống cây chất lượng nhất.

 

Cần chế tài xử lý giống cây trồng rao bán tràn lan trên mạng

Trong một hội thảo tổ chức mới đây, ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cảnh báo xu hướng kinh doanh giống cây trồng trên mạng internet, mạng xã hội là tất yếu nhưng gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy, trong khi chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý.

Tổng thư ký VSTA nêu thực trạng: “Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân…”.

Theo ông Trần Xuân Định, sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật. Tuy nhiên, hình thức bán qua mạng thì chưa có quy định cụ thể và chế tài. Đó là kẽ hở và khó khăn của công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung. Tổng thư ký VSTA đề nghị sớm có giải pháp, chế tài quản lý chặt hoạt động buôn bán, kinh doanh cây giống trên mạng.