Dồn lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp

Tùng Lâm (Thực hiện) 19:13, 13/09/2024

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp; nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan sau đợt mưa lũ rất cao. Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương dồn lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Người dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống cây bị thối rữa sau lũ.
Người dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống cây bị thối rữa sau lũ.

P.V: Với những ảnh hưởng cho cây trồng do ngập lụt gây ra, ngành đã có sự chỉ đạo như thế nào nhằm khôi phục sản xuất, thưa ông?

Ông Vũ Đức Hảo: Ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, xã, phường, thị trấn và nông dân tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng cho lúa, không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Toàn tỉnh có trên 38,3 nghìn hecta lúa mùa, trong đó có một số diện tích đã chín.

Ngành đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân tập trung thu hoạch đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế thiệt hại và giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại… (gieo trồng càng sớm càng tốt). Với những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trỗ hoặc sắp cho thu hoạch, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nông dân cách chăm bón, phục hồi.

Với cây rau màu, Ngành đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân kịp thời thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm để đảm bảo năng suất, chất lượng. Những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch, bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại bằng loại rau ngắn ngày, ưa nước cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. Những diện tích thiệt hại nhẹ, chủ động khắc phục, chăm bón… để cây phục hồi.

Riêng các vùng chuyên rau màu, màu, chúng tôi khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Khi nước rút thì vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau; mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Về sản xuất cây ăn quả, người dân khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quanh các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, tùy từng cây trồng mức độ ảnh hưởng cần thực thiện các biện pháp phù hợp.

P.V: Sau ngập lụt, tình trạng sâu bệnh có thể phát sinh, gây hại. Ngành Nông nghiệp và PTNT có khuyến cáo ra sao đối với các địa phương và nông dân, thưa ông?

Ông Vũ Đức Hảo: Sau ngập lụt, tình trạng sâu bệnh có thể phát sinh, do đó việc tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, bệnh hại trên các loại cây trồng sau bão rất quan trọng. Ngành đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Với lúa, có các biện pháp phòng trừ sự bùng phát của rầy nâu, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bạc lá, lùn sọc đen...

Đối với rau màu, thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện các loại nấm bệnh gây hại. Về cây ăn quả, thực hiện phun phòng trừ bệnh hại trên cây ăn quả, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất (bệnh loét bằng thuốc Bordeaux 1 - 2%, bệnh chảy gôm, loét bằng thuốc Ridomil MZ 72…). Khuyến cáo nông dân có thể sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng. Đồng thời, ngành cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất…

P.V: Chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh động vật, thưa ông?

Ông Vũ Đức Hảo: Thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, các khu vực bị ngập lụt để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng là nhiệm vụ rất quan trọng. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, tự ý chữa trị, không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Tại các vùng bị ngập, lụt, ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom phân, rác để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Chỉ đạo lực lượng khuyến nông, lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ (nếu có); tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp đối với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.

Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để tái đàn. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt II/2024, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng..., bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vắc-xin; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh động vật theo quy định…

P.V: Xin cảm ơn ông!