Bảo vệ sức khỏe cây trồng là một cách tiếp cận mới để các địa phương trong tỉnh giải quyết toàn diện các vấn đề về dịch hại, an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Sau 2 năm đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) theo kế hoạch đề ra, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.
Bảo vệ sức khỏe cây trồng giúp nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa an toàn trong nhà màng ở xóm Trúc, xã Bá Xuyên (TP. Sông Công). Ảnh: M.P |
Từ những hiệu quả thiết thực
Ứng dụng IPHM là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể, bao gồm đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích... Qua đó nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng hóa sinh học.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh là đơn vị được giao thực hiện Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chính, chủ lực của tỉnh giai đoạn 2022-2030. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục, cho biết: Nội dung của IPHM là tổng hòa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật của các chương trình như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), thâm canh lúa 3 giảm 3 tăng... Đặc biệt, IPHM quan tâm đến sức khỏe của đất, nước, môi trường sinh thái, độ dinh dưỡng cho cây trồng.
Từ chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh có thể thấy, mục tiêu của việc ứng dụng IPHM không chỉ đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt… mà còn xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng. Đặc biệt là hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và trang bị, cập nhật kiến thức cho cộng đồng từ khâu sản xuất đến thương mại, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật.
Thực tế cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trồng trọt đóng vai trò quan trọng, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Hằng năm, tổng diện tích cây trồng chính toàn tỉnh ước đạt 57.694ha (39.430ha cây lương thực có hạt; 11.660ha cây rau các loại; phần còn lại là các cây trồng khác). Hiện nay, giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của tỉnh (giá hiện hành) bình quân đạt 128,7 triệu đồng/năm
Ngoài ra, Thái Nguyên còn có khoảng 22,5 nghìn héc-ta chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/năm và gần 14 nghìn héc-ta ăn quả… Bởi vậy, với việc ứng ụng IPHM, Thái Nguyên chắc chắn thu được rất nhiều lợi ích…
Đến kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn
Từ những ích lợi của việc ứng dụng IPHM, tỉnh đã đề ra các mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết, kỹ năng và áp dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Đào tạo được lực lượng giảng viên hướng dẫn hùng hậu với 20 giảng viên cấp tỉnh và mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.
Mô hình sản xuất cà chua an toàn ở tổ dân phố Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên). |
Đáng nói, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để đến năm 2030 có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh; 70% diện tích cây ngô; 70% diện tích cây công nghiệp đạt ứng dụng IPHM. Tỷ lệ nghịch với việc tăng diện tích ứng dụng IPHM, tỉnh cũng phấn đấu giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học trên những diện tích ứng dụng IPHM. Đồng thời có trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức xây dựng, phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường. Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng biết về IPHM.
Cùng với đó là hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái; mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng. Xây dựng tài liệu hướng dẫn ứng dụng IPHM trên cây trồng chính, chủ lực để tuyên truyền trong các khóa đào tạo, tập huấn cấp tỉnh, cấp xã và nông dân nòng cốt. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về quy định của pháp luật trong quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giống, phân bón và hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: 2 năm qua, chúng tôi đã quan tâm đào tạo, phát triển lực lượng giảng viên cấp tỉnh cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, hướng dẫn viên cộng đồng và lực lượng nông dân nòng cốt cho cấp xã. Đến nay đã tổ chức huấn luyện cho 39 giảng viên cấp tỉnh (là cán bộ chuyên ngành của Sở và cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương) về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây chè (TOT – IPHM); 60 nông dân nòng cốt tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ) và xã Phú Đô (Phú Lương) về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (FFS-IPHM).
Hiện nay, tỉnh đang hướng đến xây dựng và nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM gắn sản xuất cây trồng chính, chủ lực với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường mở rộng diện tích ứng dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng...
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thúc đẩy ứng dụng IPHM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin