Sau 3 tháng triển khai, đến nay, Dự án “Chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” năm 2024 đã hoàn thành và đạt hiệu quả rất thiết thực. Đây là dự án do xã Tân Khánh (Phú Bình), Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và Dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-TCORTS) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai.
Mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Trương Văn Hướng, thành viên HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh (Phú Bình). |
Tham gia Dự án, gia đình ông Trương Văn Hướng, thành viên HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, đã nuôi 3.200 con gà Ri và được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn giúp gà khỏe mạnh, không cần dùng đến kháng sinh trong phòng trị bệnh; sử dụng đệm lót bằng mùn cưa bổ sung chế phẩm sinh học giúp chuồng trại chăn nuôi không có mùi hôi, bảo đảm thoáng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Nhờ đó, đàn gà sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình đạt 2,03kg/con, tiêu tốn 2,6kg thức ăn/kg tăng trọng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Hướng thu lãi trên 121 triệu đồng, tăng 22,66% so với trước khi tham gia Dự án; chất lượng thịt gà được người tiêu dùng đánh giá tốt. Vì vậy, sản phẩm gà đồi Tân Tiến - gà tươi của HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến được UBND huyện Phú Bình công nhận OCOP 3 sao.
Cùng với đó, sau khi tham gia lớp tập huấn ngoài mô hình và tham quan mô hình chăn nuôi của gia đình ông Trương Văn Hướng, 10 hộ chăn nuôi gà ở địa phương đã đăng ký áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hướng đến sản phẩm OCOP và liên kết với HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin