Trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai hiện có 262ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là các hồ, đập thủy lợi nhỏ và ao, hồ của người dân. Nhằm nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ.
Cán bộ nông nghiệp xã Dân Tiến (Võ Nhai) hướng dẫn chị Tằng Thị Liễu, ở xóm Đồng Vòi, cách phát hiện dấu hiện đàn cá bị bệnh trong thời điểm giao mùa. |
Nếu như trước đây, người dân Võ Nhai chủ yếu chăn nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh thì những năm gần đây đã chuyển dần sang nuôi thâm canh, công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thủy sản.
Với tổng diện tích 2 ao rộng gần 0,5ha, trước đây, gia đình chị Tằng Thị Liễu, ở xóm Đồng Vòi, xã Dân Tiến (Võ Nhai), chủ yếu nuôi cá theo hình thức quảng canh. Hằng năm, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị bắt đầu thả cá giống và cuối năm thu hoạch. Trong quá trình nuôi gần như chị không cho cá ăn thêm bất cứ loại thức ăn nào từ bên ngoài. Theo chị Liễu chia sẻ thì nuôi theo hình thức này cá phát triển rất chậm, thu nhập mỗi năm chỉ được từ 10-20 triệu đồng.
Năm 2022, sau khi tham quan thực tế và học hỏi một số mô hình nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả ở một số nơi, gia đình chị đã quyết định đầu tư cải tạo lại diện tích ao để nuôi cá theo hướng công nghiệp. Chị Liễu cho hay: Mỗi năm tôi thả trên 4.000 con cá giống, với các loại cá rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ. Thức ăn chăn nuôi cá chủ yếu là cám công nghiệp, cám ngô và bã rượu. Trung bình mỗi năm tôi cung cấp ra thị trường được khoảng 3 tấn cá thương phẩm, trừ tất cả chi phí gia đình tôi thu về được khoảng trên 100 triệu đồng.
Khác với gia đình chị Liễu, cách đây 6 năm, ông Lương Văn Hệ, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung, đã xin phép chính quyền địa phương để nuôi thử nghiệm cá lồng bè tại đập thủy lợi Bó Bé ngay cạnh nhà. Ông Hệ cho biết: Nhận thấy đập thủy lợi có thể nuôi được các lồng bè vì thế tôi đã đầu tư 3 lồng có tổng diện tích trên 50m2 để nuôi cá trắm cỏ. Mỗi năm tôi thả trên 100 con giống, thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ và các loại lá cây rừng. Trung bình một năm tôi bán ra thị trường được khoảng 4-5 tạ cá thương phẩm và thu về được trên 32 triệu đồng.
Từ hiệu quả mà mô hình nuôi cá lồng bè của gia đình ông Hệ đem lại, cuối năm 2023, 6 hộ dân trên địa bàn xã Thượng Nung đã cùng nhau góp vốn để thuê lại toàn bộ đập thủy lợi Bó Bé có tổng hiện tích gần 1,5ha để chăn nuôi cá theo hướng công nghiệp. Ông Ngô Văn Tiêu, một trong 6 hộ dân cho biết: Đầu năm nay, chúng tôi thả 4 tạ cá giống, với các loại cá trắm cỏ, chép, trôi, mè, nheo. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp xã nên đến nay cá sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn cá các loại.
Ông Ngô Văn Tiêu, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai), hy vọng lứa cá năm nay cho thu nhập cao. |
Nhờ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, người dân Võ Nhai đã thay đổi tư duy trong đầu tư nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là trong những năm gần đây, huyện Võ Nhai cũng triển khai thực hiện các chương trình dự án đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm nhân rộng trên địa bàn. Cụ thể, mô hình thâm canh cá tầm nước lạnh tại xã Phú Thượng, với quy mô 1.100 con cá giống; mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Dân Tiến, với quy mô 1.000 con cá giống… Tham gia các mô hình trên, người dân sẽ được huyện hỗ trợ 70% chi phí mua cá giống, thức ăn, còn lại do nhân dân đối ứng.
Cùng với đó, các hộ dân còn được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn khoa học kỹ thuật, theo dõi trong suốt quá trình chăn nuôi. Bà Đặng Thị Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết: Đây là những mô hình hỗ trợ để làm điểm nhằm giúp hộ dân tại các xã, thị trấn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giúp thay đổi thói quen nuôi thủy sản theo hướng truyền thống, kém hiệu quả. Đồng thời, tạo sự lan tỏa, giúp bà con học hỏi lẫn nhau về quy trình kỹ thuật để về áp dụng nuôi thủy sản trên những ao hồ có sẵn của gia đình.
Nhằm thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển cả về diện tích mặt nước lẫn sản lượng, trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp trũng, thấp hiệu quả kinh tế kém sang nuôi trồng thủy sản; mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi theo hướng truyền thống sang hướng hàng hóa; đầu tư cơ sở vật chất, máy móc và các thiết bị để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân… nhờ đó, năm 2023 tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 262ha, sản lượng thủy sản đạt 500 tấn (tăng gần 30ha và 16 tấn so với năm 2020).
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, chia sẻ: Để phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; đa dạng đối tượng nuôi, đưa các loại thủy sản cho năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin