Thị trường vàng mã vào mùa

15:12, 11/08/2011

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng 7, đồng nghĩa với thị trường vàng mã  đang từng ngày bán, mua tấp tập. Dễ nhận thấy tại các chợ những ngày này là hình ảnh người dân tay xách, nách mang túi to, túi nhỏ đựng đồ hàng mã…

Cũng giống như các địa phương trong cả nước, bắt đầu ngoài mùng 10 âm lịch nhiều gia đình ở Thái Nguyên đã cúng rằm nên việc mua hàng mã đã được các mẹ, các chị sắm sửa từ trước đó. Tại tầng hầm chợ Thái,  nơi được coi là trung tâm mua bán hàng hóa cho người âm, tấp nập cảnh bán, mua. Ngoài quần áo chúng sinh, giấy tiền, giấy vàng, quần áo cho thần linh, ông bà ở đây còn bày bán khá nhiều mặt hàng “độc” phụ kiện đi kèm được khách hàng đặt riêng cho người thân đã khuất.

 

Đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, nhưng trong bối cảnh thị trường tiêu dùng có nhiều biến động nên hàng hóa vàng mã năm nay được nhiều người dân cho rằng giá cả tăng nhiều so với năm ngoái.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 11-8, dù giá tăng cao nhưng các cửa hàng vẫn khá rất đắt khách. Hàng cõi âm trên liên tục được mang ra khỏi tầng hầm chợ Thái theo chân khách tỏa về các nẻo đường.

 

Đối với các loại mã truyền thống, giá vàng mã trọn bộ mã bình thường gồm: tiền, vàng, sớ, quần áo, giầy, dép, mũ, nón … bán ra từ 30.000 - 100.000 đồng; trọn bộ mã đắt tiền là từ 15.000 - 250.00 đồng. Mã của dòng xe tay ga trên 100 phân khối có giá bán từ 80.000 - 150.000 đồng/chiếc…

 

 

Chị Thủy- chủ một cửa hàng tại chợ Thái cho biết: năm nay giá cả tăng nên mặt hàng này cũng nhích lên chút ít, khoảng 10 đến 15% so với năm ngoái. Bản thân chúng tôi nhập vào giá đã cao hơn nên không thể bán giá như mọi năm.

 

Không chỉ riêng ở chợ Thái mà tại rất nhiều chợ lớn, nhỏ ở T.P Thái Nguyên mặt hàng vàng mã bắt đầu tấp nập. Ngoài những quầy hàng chuyên  bán vàng mã cố định hàng ngày, nhiều người ngày thường bán các mặt hàng khác, gần đến Rằm tháng 7 cũng lấy thêm vàng mã về bán kiếm chút lãi bởi nhu cầu mua vàng mã dịp này khá lớn.

 

Cùng với những loại hàng mã, các thành phần đồ lễ cúng chúng sinh với giá cả bình dân như: khoai, lạc, bỏng ngô, bỏng gạo… cũng được mua bán rất nhộn nhịp tại các chợ.

 

Tháng 7 âm lịch, người Việt có ngày Rằm tháng 7 với lễ Vu lan, ngày xá tội vong nhân hay ngày cúng chúng sinh. Ngoài ra, tháng 7 còn gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu, còn được gọi là sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Vào ngày này người dân đi sắm vàng mã đốt cho người cõi âm, với quan niệm trần sao âm vậy nên nhiều người bỏ khá nhiều tiền để sắm mã nhưng chưa chắc đã tường tận về những đồ mã này.

 

Bởi thế, người dân nên hiểu đúng về ý nghĩa của ngày Rằm tháng 7 để từ đó có sự chuẩn bị chu đáo, đúng và đủ trong các nghi lễ. Chỉ cần mua sắm lễ vật vừa đủ, nếu không biết thì nên vào chùa hỏi thêm các sư thầy để được giảng giải đúng nghĩa và hướng dẫn đúng cách cúng Rằm tháng 7 theo bài cúng có sẵn được soạn và ấn bản chính thức để tiết kiệm cho chính bản thân mình và cho xã hội.