Làng nghề đậu phụ An Long: Nhọc nhằn tìm nơi tiêu thụ

10:32, 13/09/2016

Đậu phụ An Long, xã Bình Long (Võ Nhai) có đặc điểm trắng mịn, không cứng quá, không mềm nát và có độ thơm ngậy đặc biệt. Bởi vậy, mỗi khi có dịp đến Võ Nhai, nhiều người đều cố tìm mua bằng được vài kg đậu phụ An Long về thưởng thức hoặc quà tặng. Từ năm 2011, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận làng nghề làm đậu, nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa sống được bằng nghề...

Vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại Làng nghề đậu phụ An Long nổi tiếng. Khác với những gì tưởng tượng, khi vào đến xóm, chúng tôi không còn được ngửi thấy mùi thơm hấp dẫn tỏa ra từ những nồi đỗ tương của các hộ dân làm đậu phụ cạnh đường như những năm trước nữa. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phùng Văn Hợp, một hộ dân làm đậu lâu năm ở xóm không giấu được nỗi buồn: Vì sản phẩm không có đầu ra nên nhiều người trong xóm đã bỏ nghề để đi làm công nhân, thợ xây hoặc chuyển sang chăn nuôi. Gia đình bác giờ cũng chỉ dám làm khoảng 15kg đậu phụ mỗi ngày, làm nhiều hơn sẽ không bán được. Bác làm chủ yếu làm để đỡ nhớ nghề, chứ với số lượng bán được ít như thế, thu nhập chẳng được là bao...

 

Vào những năm 1960-1963, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng đời sống kinh tế mới, một số hộ dân xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã xung phong lên vùng đất Bình Long lập nên xóm An Long. Lên với vùng đất mới, bà con đã mang theo bí quyết làm đậu phụ thơm ngon nổi tiếng của cha ông truyền lại. Đậu được gói thành miếng to, nặng khoảng 1kg, có đặc điểm trắng mịn, dẻo, khi ăn có độ thơm ngậy đặc trưng của đỗ tương. Để có bìa đậu phụ như thế, bà con xóm An Long luôn tìm chọn hạt đỗ tương ngon nhất để làm. Những năm đầu lên Bình Long, điều kiện sống còn rất khó khăn, thiếu thốn, bà con làm đậu phụ để vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa có thêm thu nhập. Trong 2 năm 2010-2011, cả xóm có trên 30 hộ dân làm đậu, cung cấp cho thị trường khoảng trên 500kg mỗi ngày. Đây có thể nói là thời kỳ hưng thịnh nhất của Làng nghề. Bởi vậy, năm 2011, xóm An Long được UBND tỉnh công nhận là làng nghề cấp tỉnh.

 

Thế nhưng, do khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nên nhiều hộ dân trong Làng nghề không còn mặn mà với nghề. Hiện, xóm chỉ còn 10 hộ làm đậu, cung cấp ra thị trường khoảng 150 kg đậu phụ/ngày. Anh Vũ Trọng Hiệp cho biết: Hiện nay, đậu phụ của bà con chủ yếu được bán tại chợ các xã: Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá. Mỗi hộ bán được khoảng 7 đến 15kg đậu phụ/ngày. Gia đình tôi cũng chỉ dám làm 15 kg đậu mỗi ngày, trừ hết chi phí cho thu lãi khoảng 80 nghìn đồng, chưa đủ để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, để có thêm thu nhập, gia đình tôi phải chuyển sang nấu rượu, kết hợp với chăn nuôi lợn. Đã nhiều lần, tôi và một số người trong xóm khăn gói mang đậu phụ đi giới thiệu tại các nhà hàng, quán ăn ở TP. Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ. Dù được khen là ngon nhưng đậu phụ của chúng tôi cũng chỉ có một vài điểm đặt mua với số lượng không đáng, nếu trừ chi phí sản xuất, cước vận chuyển thì không có lãi. Cho nên, chúng tôi chưa thể nhận lời cung cấp...

 

Ông Đỗ Văn Mát, Trưởng xóm, kiêm Trưởng Ban quản lý Làng nghề đậu phụ An Long cho biết: Mỗi khi nghe thông tin ở đâu trong tỉnh tổ chức hội chợ, chúng tôi đều đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tại các hội chợ, đậu phụ An Long được nhiều người dân mua, có lần chúng tôi bán được hàng tạ chỉ trong nửa buổi. Song, đến nay, sản phẩm của Làng nghề vẫn chưa tìm được chỗ tiêu thụ với số lượng lớn. Nếu có thị trường tiêu thụ từ 1 tấn đậu phụ/ngày trở lên thì các hộ dân trong xóm đã có thể chuyên tâm dành thời gian vào sản xuất... Ngồi trầm ngâm, ông Mát kể tiếp: Chúng tôi đã từng có kế hoạch xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc, xe vận chuyển hàng đông lạnh để sản xuất, phân phối đậu. Nhưng không có nơi tiêu thụ, kế hoạch đó đành dừng lại. Vì không thể sản xuất với số lượng lớn nên Hợp tác xã đậu phụ cũng không thể hoạt động, phải xin giải thể từ năm ngoái để đỡ phải nộp thuế (mỗi năm nộp hơn 1 triệu đồng). Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Long Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long cho hay: Tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho Làng nghề đậu phụ An Long là vấn đề được cấp ủy và chính quyền dành nhiều sư quan tâm. Từ khi được công nhận làng nghề, Đảng ủy và UBND xã đã cùng với Ban Quản lý Làng nghề tiến hành các hoạt động quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm tại các hội chợ. Song đến nay, đậu phụ An Long vẫn khó khăn trong đầu ra.

 

Đậu phụ là một món ăn dân dã, thường xuyên của người dân ở cả thành thị lẫn nông thôn. Bởi vậy, đây là sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá rộng lớn, mang tính bền vững. Trong khi đó, đậu phụ An Long lại có độ trắng mịn, dẻo, không cứng quá, không mềm nát, khi ăn có độ thơm ngậy rất đặc biệt, không có đậu phụ ở nơi nào trong tỉnh sánh được. Qua khảo sát ý kiến một số người dân ở T.P Thái Nguyên đã từng được ăn đậu phụ An Long, mọi người đều cảm thấy tiếc khi không thể tìm mua được sản phẩm này ở các chợ hoặc các siêu thị. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đậu phụ An Long chưa thể mở rộng thị trường tiêu thụ? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trước hết là do các hộ dân làm nghề chưa mạnh dạn và quyết tâm trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, bếp ăn tập thể... Thông thường, đối với bất cứ một sản phẩm nào, nhà sản xuất cũng đều phải mất thời gian, công sức và tiền của cho quảng bá và tiếp thị sản phẩm, thậm chí phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu thì mới có thể có cơ hội mở rộng, chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, Làng nghề đậu phụ An Long cũng chưa xây dựng được xưởng sản xuất có trang bị máy móc hiện đại, sản phẩm chưa được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở việc làm thành từng bìa đậu hình chữ nhật có trọng lượng khoảng 1-1,2kg và chưa được đóng gói, ghi nhãn mác...

 

Thực tế này rất cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp trong việc giúp người dân làng nghề có thêm kiến thức và kinh nghiệm quảng bá, tiếp thị sản phẩm, từ đó mới mở rộng quy mô sản xuất nhằm từng bước khôi phục và phát triển làng nghề. Điều này càng trở nên cần thiết khi mà cả nước đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng các mô hình kinh tế để giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Xin đừng để một làng nghề vốn có tiềm năng phát triển và có những con người vẫn muốn gắn bó với nghề bị "chết yểu".