Hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho hàng nông sản

09:14, 25/11/2016

Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, nông dân trong tỉnh sản xuất được trên 400 nghìn tấn lương thực; hơn 100 nghìn tấn thịt lợn hơi; 200 nghìn tấn chè búp tươi; trên 17 nghìn tấn vải, nhãn; hơn 24 nghìn tấn quả chuối; 6,5 nghìn tấn na; hằng trăm nghìn quả bưởi và 200 nghìn tấn rau xanh các loại… Tuy nhiên, do sản xuất chủ yếu làm nguyên liệu sơ chế, chưa có thương hiệu nên đầu ra cho các loại nông sản không ổn định.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân trên địa bàn tỉnh tìm đầu ra cho hàng nông sản, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân. Bà Lê Thanh Thuỷ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Để hỗ trợ tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của tỉnh, chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân đưa các mặt hàng nông sản vào siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh; giúp bà con đăng ký, bảo hộ thương hiệu, làm các thủ tục để họ được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và hồ sơ công bố phù hợp quy định ATVSTP; đăng ký mã số, mã vạch; thiết kế, in ấn tờ rơi quảng cáo, bao bì, nhãn mác sản phẩm… Ngoài ra, Trung tâm còn ký các biên bản thoả thuận về hoạt động xúc tiến thương mại với Trung tâm Xúc tiến Thương mại các tỉnh Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, T.P Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và người dân đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá.

 

Từ các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, hơn 2 năm qua, trên 20 doanh nghiệp, HTX và hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt cơ hội và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng nông sản. Điển hình như HTX Chè Thiên Phú An, xóm Nhà Thờ, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đã tìm được 13 đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm tại Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá và T.P Hồ Chí Minh. Hay HTX chè an toàn Đại Phú, xóm Đại Hà, xã Phú Lạc (Đại Từ) đã mở được đại lý phân phối sản phẩm tại thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoặc như Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã kết nối thành công và đang cung cấp sản phẩm nấm các loại cho Công ty TNHH Phong Đăng Phát, đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội). Cũng từ các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm, mặt hàng quả bưởi của HTX Tiên Trường, xã Tiên Hội (Đại Từ) đã được đưa vào bày bán tại siêu thị Thanh Niên Plaza, số 318, đường Quang Trung (T.P Thái Nguyên); mặt hàng bánh chưng của Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã được đưa vào bán tại siêu thị TMart Thái Nguyên (tầng 1 chợ Thái)… Anh Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX Miến Việt Cường, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) cho hay: Nhờ có sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, mặt hàng miến của chúng tôi đã được phân phối tại siêu thị Sài Gòn Co.op, cửa hàng đặc sản Hà Nội tại T.P Hồ Chí Minh, điểm bán hàng Việt tại tỉnh Lạng Sơn và cửa hàng 3 miền ở số 12 - đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên)…

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay, các doanh nghiệp, HTX… sản xuất, kinh doanh hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn như: hàng hoá sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, chuyên môn hoá, đồng bộ từ khâu lựa chọn giống, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến đến bảo quản. Đặc biệt, giữa sản xuất, chế biến và vùng nguyên liệu chưa có sự gắn kết… nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc hỗ trợ tìm đầu ra cho hàng nông sản của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang có rất ít sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng (ISO, HACCP, VietGAP, Global GAP, Utz…) hoặc có chứng nhận ATVSTP và đáp ứng được yêu cầu của kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi lớn trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, HTX, tập thể, cá nhân… sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản còn chưa quan tâm tới việc đăng ký nhãn hiệu và xây dựng, phát triển thương hiệu, khảo sát, quảng bá sản phẩm; chưa chủ động nghiên cứu thông tin, tiếp cận với thị trường. Sản phẩm của các doanh nghiệp còn nghèo nàn về chủng loại, bao bì, mẫu mã…

 

Do đó, để các hoạt động hỗ trợ tìm đầu ra cho hàng nông sản do Trung tâm Xúc tiến Thương mại triển khai đạt kết quả tốt hơn, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành có liên quan nên tham gia phối hợp tốt từ khâu quy hoạch đến quản lý vùng nguyên liệu, từ đó tư vấn cho các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất trực tiếp các mặt hàng nông sản thực hiện quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến… theo các tiêu chuẩn như Viet GAP, Utz, ISO… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Về phía người dân cũng nên tính đường dài là quy hoạch lại việc sản xuất nông sản, thay vì mở rộng vùng sản xuất, nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để việc tìm đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của bà con, đáp ứng được yêu cầu thị trường...