Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2017, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hoàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề hàng nhái, hàng giả và thực phẩm kém chất lượng. Điều này khiến cho các loại thực phẩm do cá nhân, gia đình sản xuất bỗng trở nên đắt hàng và được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên hưởng ứng, tin tưởng lựa chọn.
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Hoàng Thu Hiền, ở xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng, người chuyên làm các loại mứt bán trong những dịp lễ, Tết để tìm hiểu thêm về nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Trong căn bếp nhỏ của gia đình chị Hiền, chúng tôi nhìn thấy hàng chục quả dừa lớn, bé đã được gọt vỏ sạch sẽ, ngoài ra còn có rất nhiều chậu nước ngâm đầy những sợi dừa trắng phau. Chị Hiền vừa khéo léo đưa chiếc nạo vòng quanh miệng quả dừa vừa vui vẻ trò chuyện: Trước đây tôi chỉ làm mứt dừa để phục vụ trong gia đình. Dịp Tết Nguyên đán năm 2015, một số chị em quen biết đã được ăn thử sản phẩm do tôi làm ra đặt mua thì tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh mặt hàng này. Để giữ uy tín, tôi đã tự đặt ra cho mình những “nguyên tắc” riêng từ việc chọn nguyên liệu đến quá trình làm ra sản phẩm. Ví dụ như đối với nguyên liệu để làm mứt dừa thì tôi chỉ chọn những quả dừa bánh tẻ, không quá non hoặc quá già. Những quả như thế thường có độ cứng, độ dày cùi và độ dai vừa phải, khi nạo sẽ dễ dàng tạo ra những sợi dừa dài và lúc làm xong sợi mứt sẽ có độ dẻo, dai. Hiện nay, sản phẩm mứt dừa của nhà tôi có 6 màu khác nhau với các hương vị như ka kao, trà xanh, cà phê, sữa… Màu của sản phẩm đều được tôi làm hoàn toàn từ các loại nguyên liệu rau, củ, quả, không sử dụng bất kỳ loại phẩm màu nào. Trung bình một ngày tôi làm được khoảng 5kg mứt dừa thành phẩm, mỗi cân có giá bán là 170.000 đồng, hầu như hàng nhà tôi làm ra đến đâu đều bán hết đến đó.
Cũng lựa chọn hình thức bán thực phẩm sạch do gia đình tự làm, đã 4 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về là bà Phạm Thị Nhinh, ở tổ dân phố 3, phường Hoàng Văn Thụ lại nhận cung cấp các thực phẩm truyền thống là măng khô và miến dong cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bà Nhung cho biết: Anh trai tôi (hiện ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa) có 2 khu đồi rộng chuyên trồng măng nứa tép nên từ năm 2012, tôi đã đặt gia đình anh làm măng khô cung cấp cho tôi bán vào dịp Tết. Sản phẩm do gia đình tự làm nên măng rất ngon và sạch sẽ, hầu như không có lẫn măng già, khách mua về nấu không bị hao hụt nhiều. Còn miến dong thì tôi nhập của nhà một người bạn chuyên sản xuất miến ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Lúc đầu, đa số hàng hóa tôi đều bán cho những người quen biết. Họ mua về ăn thử thấy ngon là năm sau lại truyền tai nhau đến mua tiếp, thế nên hàng nhà tôi không phải mang ra chợ bán và chưa năm nào bị tồn, ế. Trung bình mỗi năm tôi bán được 40kg măng khô và 4 tạ miến dong.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những người kinh doanh thực phẩm tự làm tuy chỉ sản xuất được số lượng có hạn, mẫu mã có thể không đẹp bằng ngoài thị trường và giá cả hầu như đều đắt hơn so với giá bán bình quân chung nhưng vẫn được khá nhiều người chọn lựa vì tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều người còn tận dụng việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội. Đa số những người lựa chọn kênh bán hàng này thường chia sẻ công khai, chi tiết về sản phẩm do mình làm ra. Từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến đều có hình ảnh minh họa kèm theo để tăng niềm tin và thu hút sự chú ý của khách hàng. Bởi thế, ngày càng có nhiều người thích mua thực phẩm do các gia đình tự làm. Chị Phạm Thị Lan, ở tổ 3, phường Đồng Quang chia sẻ: 2 năm nay, cứ mỗi dịp Tết là tôi lại tìm mua thực phẩm của những gia đình tự tăng gia sản xuất được, từ rau củ cho đến thịt lợn, thịt gà. Giá cả tuy hơi đắt nhưng tôi cảm thấy yên tâm hơn hẳn khi mua ở những nơi khác.
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, càng gần đến ngày Tết, lượng người bán thực phẩm “handmade” lại càng tăng, các mặt hàng cũng được người bán bổ sung nhiều loại mới phong phú, đa dạng hơn để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Trong đó, thực phẩm được bán nhiều nhất là những món ăn truyền thống trong ngày Tết như: lạp xường; giò xào; dưa, hành muối; măng khô, miến và các loại mứt… Dựa vào những công thức sẵn có, người làm chỉ cần sáng tạo và cầu kỳ hơn một chút là đã đáp ứng được nhu cầu về chất lượng đối với người mua.
Không thể phủ nhận khá nhiều người kinh doanh thực phẩm tự làm tự bán đã thành công và tạo dựng được uy tín riêng nhờ chất lượng tốt, mặt hàng phong phú, được sự tín nhiệm của đông đảo người mua nhưng tất cả những yếu tố “vườn nhà”, “nguồn gốc sạch”, “tự chế biến” hầu như chỉ là sự cam kết miệng từ phía người bán. Còn người mua chỉ có thể sử dụng niềm tin là chủ yếu, hoặc để chắc ăn, có những người chọn người quen để mua hàng. Thêm một điều cần nói là hầu hết những người kinh doanh thực phẩm tự phát hoàn toàn không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng trước khi quyết định chọn mua thực phẩm tự làm nên cân nhắc thật kỹ xem thực phẩm tự làm có thực sự tốt cho sức khỏe và an toàn hơn thực phẩm ở ngoài thị trường hay không?