Không nên "quay lưng" với thịt gia cầm

10:36, 15/03/2017

Thời gian gần đây, tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 trong nước cũng như trong tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trước những thông tin về dịch cúm A/H7N9 từ gà có thể lây lan sang người khiến nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn do giá gà giảm mạnh, thậm chí không tiêu thụ được. Còn người tiêu dùng thì hoang mang, lo lắng và "quay lưng" với các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm.

Đi khảo sát tại một số địa phương có số lượng trang trại gia cầm lớn của tỉnh như: Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), Phấn Mễ (Phú Lương), Tân Đức (Phú Bình)... chúng tôi nhận thấy không khí khá ảm đạm vì nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ trống chuồng sau khi giá gà tụt giảm mạnh. Chị Nguyễn Thị Phương, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ cho biết: Nhà tôi nuôi 2.000 con gà lông trắng/lứa. Trước Tết Nguyên đán, giá gà đã giảm xuống còn 20.000 đồng/kg. Sau khi có thông tin dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện ở xã Bình Long (Võ Nhai), giá gà hiện chỉ còn 15.000 đồng/kg mà không có người mua. Với mức giá như vậy, trung bình mỗi con gà, chúng tôi lỗ từ 5.000-10.000 đồng. Nhiều hộ dân trong xóm đã giảm đàn tối đa để cắt lỗ. Còn ông Phạm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ thì thông tin: Toàn xã hiện có 124 trang trại, trong đó có 18 trại lợn và 106 trại gà. Do giá gà giảm mạnh, sợ thua lỗ nên thời điểm này đã có 40 trang trại gà bỏ trống chuồng. Để phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi gà trên địa bàn đều đã tiến hành rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại khu vực chăn nuôi.

 

Không chỉ ở Phấn Mễ, tại các địa phương khác trong tỉnh, người chăn nuôi gà cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. Phần lớn các hộ chăn nuôi gà đã chấp nhận bán lỗ nhằm giải phóng đàn để vớt vát vốn. Tuy nhiên, do thông tin về dịch cúm gia cầm, thị trường tiêu thụ chững lại khiến việc tiêu thụ gà của người nuôi cũng rất khó khăn. Theo khảo sát của chúng tôi, giá gà tại các hộ chăn nuôi giảm mạnh, nhưng giá tại các chợ chỉ giảm nhẹ. Tại các chợ đầu mối như: Túc Duyên, Đồng Quang, chợ Thái... thời điểm này, giá gà lông trắng thịt sẵn cả con có giá 40.000-45.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng; giá gà lông màu dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg. Chị Phạm Thị Liên, một tiểu thương kinh doanh gà tại chợ Túc Duyên cho biết: Trước đây, mỗi ngày tôi bán cho khách được trên 30 con gà thì giờ chỉ bán được 5-7 con. Nhiều khách hàng không dám ăn thịt gà vì lo sợ bị nhiễm bệnh cúm, khiến việc kinh doanh của chúng tôi rất ế ẩm.

 

Theo các tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ, do lo ngại dịch cúm gia cầm nên người tiêu dùng "ngại" sử dụng thịt gia cầm, trong khi lượng gà, vịt tại các trang trại chăn nuôi đến kỳ xuất bán khá lớn khiến cung vượt quá cầu. Trong khi đó, việc vận chuyển gia cầm trong tỉnh đi tiêu thụ tại các địa phương khác trong cả nước đang gặp khó và lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh do một số tỉnh lo ngại dịch bệnh cúm lây lan đã hạn chế nhập gia cầm sống.

 

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y: Hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều đang áp dụng chặt chẽ các quy trình kỹ thuật trong phòng chống dịch; đồng thời, thường xuyên tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường cũng đều được lực lượng thú y kiểm dịch kỹ lưỡng, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, không nên quá lo ngại dịch bệnh.

 

Đến thời điểm này, nước ta chưa phát hiện có dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9. Các biện pháp nhằm ngăn chặn, khống chế tránh lây lan dịch bệnh từ Trung Quốc cũng đang được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt. Người tiêu dùng không nên lo lắng thái quá rồi giảm sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, càng gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Để đảm bảo an toàn phòng tránh dịch bệnh, trước mắt người dân nên sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, có xuất xứ, tuyệt đối không ham rẻ mua gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm chết ngoài chợ. Đặc biệt, người tiêu dùng không nên ăn các loại thức ăn chế biến từ gia cầm sống, chưa qua chế biến, nhất là tiết canh. Người tiêu dùng cũng không nên "quay lưng" lại với các sản phẩm thịt gia cầm. Vì gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được tiêm vaccine đúng quy trình, có giấy nhứng nhận kiểm dịch thì vẫn có thể sử dụng bình thường.